Xét xử cựu Chủ tịch Louis Holdings và đồng phạm 'thổi giá' cổ phiếu: Cựu lãnh đạo Chứng khoán Trí Việt đổ lỗi cho nhau

Cựu Chủ tịch Công ty Chứng khoán Trí Việt Phạm Thanh Tùng và cựu Tổng Giám đốc Đỗ Đức Nam liên tục đổ lỗi cho nhau về vai trò chỉ đạo quyết định các khoản vay của Louis Holdings và tham gia thao túng chứng khoán.

Tại phiên xét xử cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân và các đồng phạm "thổi giá" cổ phiếu, khi thẩm vấn các bị cáo trong vụ án; cựu Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt Phạm Thanh Tùng và cựu Tổng Giám đốc Đỗ Đức Nam nhiều lần đổ lỗi cho nhau.

Trước hết, cựu Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt Đỗ Đức Nam phủ nhận lời khai của bị cáo Đỗ Thành Nhân - cựu Chủ tịch Louis Holdings. Bị cáo Nam thừa nhận có hành vi thao túng chứng khoán như cáo trạng, nhưng nêu lý do là không nắm được hành vi của nhóm Louis có vi phạm hay không. Bên cạnh đó, áp lực kinh doanh muốn công ty thu phí giao dịch và lãi vay nên bị cáo Nam chủ quan và chỉ nghĩ rằng đang giúp khách hàng thâu tóm doanh nghiệp chứ không ý thức được đó là hành vi thao túng chứng khoán.

Về 17 tài khoản chứng khoán, bị cáo Đỗ Đức Nam khẳng định sau khi nhóm Louis Holdings mở tài khoản thì hệ thống giao dịch của Trí Việt tự động cấp mật khẩu cho khách hàng. 

"Bị cáo có gặp Nhân và trao đổi về nội dung muốn thâu tóm doanh nghiệp. Căn cứ trên đề nghị của Nhân thì bị cáo cho vay theo hợp đồng ủy thác đầu tư vì công ty chứng khoán không được cho vay, BII không nằm trong danh sách margin (giao dịch ký quỹ) nên muốn vay thì phải qua Công ty Quản lý tài sản Trí Việt", bị cáo Nam nói.

Bị cáo Đỗ Đức Nam phủ nhận lời khai của cựu Chủ tịch Louis Holdings rằng chính bị cáo Nhân tự quyết định mở tài khoản và là người quyết định mua cổ phiếu bao nhiêu, mức giá nào.

vu-thao-tung-chung-khoan-tai-louis-holdings-chu-tich-va-tong-giam-doc-chung-khoan-tri-viet-do-loi-cho-nhau-1683605246.jpg
Bị cáo Đỗ Đức Nam- cựu Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Trí Việt. Ảnh: PLO

Theo bị cáo Nam, tài khoản mở xong thì giao lại tài khoản và mật khẩu cho khách hàng sử dụng. Bị cáo thấy có tác động đến giá cổ phiếu song chỉ nhằm mục đích cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tăng doanh số công ty mà trực tiếp là Công ty Quản lý tài sản Trí Việt thu được lãi cho vay.

Việc mua bán cổ phiếu, bị cáo Nam chỉ tư vấn còn bị cáo Nhân là người quyết định với hình thức khớp lệnh tự động và đặt lệnh thoả thuận do nhân viên giao dịch của Trí Việt thực hiện theo lệnh của người này,

Về số tiền bị cáo Nhân chi "hoa hồng" ngoài hợp đồng là 500 triệu đồng, bị cáo Nam cho rằng đây là khoản tiền bị cáo Nhân cảm ơn, đã giới thiệu việc hợp tác đầu tư. Trong khi đó, bị cáo Nhân khai ngoài khoản lãi vay phải trả hơn 14 tỷ đồng, bị cáo Nhân đã trả cho bị cáo Nam lãi ngoài 4%, tổng cộng hơn 3 tỷ đồng mới được vay tiền.

Về việc quyết định cho nhóm của bị cáo Nhân vay tiền, bị cáo Đỗ Đức Nam khai đã báo cáo trực tiếp với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt là Phạm Thanh Tùng và thông qua các hình thức báo cáo của công ty để bị cáo Tùng nắm bắt được. Bị cáo Tùng là người quyết định cho vay, sau đó giao xuống cho các bị cáo ở dưới và cho Hội đồng Quản lý rủi ro để phê duyệt.

Hội đồng Quản lý rủi ro này có 2 bị cáo Tùng và  Nam, giám đốc quản lý rủi ro và một nhân viên. Khi quyết định cho khách hàng nào vay đều phải thông qua Hội đồng này biểu quyết.

"Hàng ngày anh Tùng yêu cầu thiết lập cơ chế báo cáo các phát sinh về nợ cho vay qua email và các phần mềm chat skype của công ty", bị cáo Nam nói.

Khi bị cáo Nhân hết hạn mức cho vay thì người phụ trách chi nhánh mà bị cáo Nhân mở tài khoản (là bị cáo Lê Thị Thu Hương) đề xuất Hội đồng quản lý rủi ro để phê duyệt.

Cũng theo lời khai của bị cáo Nam, vào tháng 7, 8/2021 báo chí bắt đầu phản ánh về việc cổ phiếu BII và TGG tăng bất thường, bị cáo Tùng chỉ đạo tiếp tục cho vay nhưng chia nhỏ giao dịch, mua ít một… Tài khoản nào đang vay nhiều thì bán bớt đi để giảm tỉ lệ vay xuống…, mua thêm thì mua ở tài khoản có hạn mức thấp.

Trong khi đó, bị cáo Phạm Thanh Tùng đỗ lỗi lại cho bị cáo Nam. Cựu Chủ tịch Tập đoàn Trí Việt khai không quyết định việc vay vốn, vay thêm vốn của bị cáo Nhân vì không có trong Hội đồng quản lý rủi ro mà chỉ giám sát vòng ngoài. Bị cáo Tùng nói các khoản cho vay dưới 30 tỷ do Chủ tịch Hội đồng Quản lý rủi ro là bị cáo Nam quyết định. Bị cáo Tùng có được báo cáo nhưng do "bị Covid mấy năm nay" nên ít check mail, không thấy ai báo cáo có gì bất thường nên không quan sát.

Đặc biệt, bị cáo Tùng cũng phủ nhận cáo buộc chỉ đạo chia nhỏ khoản vay để tiếp tục cho nhóm của bị cáo Nhân vay. Thay vào đó, bị cáo Tùng khẳng định đã nhiều lần chỉ đạo dừng cho nhóm bị cáo Nhân vay để tránh điều tiếng.

Cáo trạng xác định giai đoạn 2020 - 2021, Đỗ Đức Nam góp sức cùng với Đỗ Thành Nhân thao túng chứng khoán với cổ phiếu BII, TGG để thu lời bất chính.

Theo đó, 2 bị cáo này chỉ đạo Lê Thị Thu Hương, Lê Thị Thùy Liên sử dụng 17 tài khoản chứng khoán đăng ký đứng tên người thân, lãnh đạo, nhân viên thân tín trong các công ty của mình để hiện các phương thức như liên tục thực hiện giao dịch đặt lệnh, khớp lệnh mua bán cổ phiếu mã BII, TGG tạo ra cung cầu giả tạo; liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu mã BII, TGG vào thời điểm đóng cửa thị trường tạo ra mức giá đóng cửa mới cho cổ phiếu mã BII, TGG… 

Nguồn tiền mà nhóm bị cáo sử dụng là của Công ty CP Quản lý tài sản Trí Việt (cũng do bị cáo Phạm Thanh Tùng làm Chủ tịch HĐQT) cho vay dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán. Bị cáo Đỗ Đức Nam được xác định đóng vai trò đề xuất để Công ty CP Quản lý tài sản Trí Việt cho nhóm bị cáo Nhân vay hơn 748 tỷ đồng.

Quá trình tạo cung cầu giả đã đẩy giá hai mã cổ phiếu trên lên cao bất thường. Cụ thể, cổ phiếu BII thời điểm nhóm Nhân mua vào tháng 1/2021 chỉ có giá 1.000 - 6.500 đồng/cổ phiếu, đến ngày 18/9/2021 lập đỉnh với giá 33.800 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu mã TGG khi mua vào tháng 2/2021 có giá 1.800 - 5.000 đồng/cổ phiếu, đến ngày 22/9/2021 lập đỉnh với giá 74.800 đồng/cổ phiếu.

Viện kiểm sát cáo buộc đến ngày 6/10/2021, nhóm bị cáo Đỗ Thành Nhân bán tháo 2 mã cổ phiếu, thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 154 tỷ đồng. Công ty Quản lý tài sản Trí Việt của Nguyễn Thanh Tùng thu lợi bất hợp pháp số tiền hơn 14 tỷ đồng tiền lãi vay theo các hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT