Xét xử vụ địa ốc Alibaba: Ai nhận bồi thường hơn 2.400 tỷ đồng cho bị hại thay Nguyễn Thái Luyện?

HĐXX cho biết, một người bạn làm ăn chung với Nguyễn Thái Luyện đã đồng ý thay vợ chồng bị cáo bồi thường hơn 2.400 tỷ đồng cho các bị hại trong vụ án.

Ngày 9/5, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục buổi xét xử thứ hai phiên tòa phúc thẩm, xem xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Võ Thị Thanh Mai và đồng phạm trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba.

Một diễn biến đáng chú ý trong phiên xét xử sáng nay, đó là có người nhận bồi thường cho những người bị hại hơn 2.400 tỷ đồng, thay cho vợ chồng Luyện.

vu-alibaba-ai-nhan-boi-thuong-hon-2-400-ty-dong-cho-bi-hai-thay-nguyen-thai-luyen-1683621346.jpg
Nguyễn Thái Luyện (đeo kính) và đồng phạm tại phiên xét xử. Ảnh: Vietnamnet

Chủ tọa thông báo trước ngày phiên phúc thẩm diễn ra, một người bạn làm ăn chung với Nguyễn Thái Luyện đã đồng ý thay vợ chồng Luyện bồi thường cho các bị hại trong vụ án. Người bạn này cũng đồng ý nộp thay cho bị cáo Mai số tiền 12 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả đối với hành vi Rửa tiền. Được biết, bị cáo Luyện cũng đã có văn bản đồng ý với các nội dung trên.

Đổi lại, người này yêu cầu được chuyển quyền sở hữu bất động sản của Luyện đang bị kê biên trong vụ án sang cho mình. Đối với vấn đề này, HĐXX cho biết đã mời người này đến làm việc. 

HĐXX cho biết ghi nhận gia đình, bạn bè các bị cáo đồng ý bồi thường, khắc phục thiệt hại thay cho các bị cáo. Song HĐXX cũng lưu ý không có quyền công nhận hợp đồng mua bán giữa Luyện và người bạn nói trên vì đây là quan hệ dân sự, nằm ngoài phạm vi xét xử của vụ án.

Sau quá trình xét xử, bị cáo Luyện đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt cho mình và cho các bị cáo trong vụ án. 

Đối với đơn đề nghị hoãn phiên tòa của bị cáo Võ Thị Thanh Mai với lý do bị cáo đang nhập viện do động thai, suy nhược cơ thể, HĐXX cho biết đã xác minh thông tin trên là có thật. Do đó, HĐXX lưu ý luật sư của bị cáo Mai, thời gian xét xử diễn ra dài ngày, nếu bị cáo đủ sức khỏe nên tham dự phiên tòa để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Phiên tòa tạm nghỉ, ngày 11/5 làm việc trở lại.

Tại phiên sơ thẩm, tòa tuyên án Nguyễn Thái Luyện bị phạt chung thân; Nguyễn Thái Lĩnh 17 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Võ Thị Thanh Mai bị tuyên 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

Cũng hai tội danh này, bị cáo Nguyễn Thái Lực bị tuyên phạt 17 năm và 10 năm tù, tổng hợp hình phạt là 27 năm tù. Các bị cáo khác cũng lãnh án từ 10-19 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc vợ chồng Luyện liên đới bồi thường toàn bộ số tiền hơn 2.400 tỷ đồng cho bị hại.

Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín làm người đại diện pháp luật.

Sau đó, các công ty này mua một số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh, thành như: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... rồi san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng trái phép, vẽ ra các dự án "ma", quảng bá hoành tráng là dự án khu dân cư đẳng cấp để bán cho khách hàng.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Công ty Alibaba còn hứa hẹn thanh toán linh hoạt, mua lại thửa đất với giá cao, trả lãi cao dựa trên số tiền khách hàng đóng vào hoặc thuê lại... Dòng tiền có được từ các dự án ma được chuyển về công ty mẹ.

Luyện giao cho vợ, em ruột phối hợp cùng kế toán là Huỳnh Thị Kim Thắng sử dụng một phần tiền để vận hành hệ thống trả lương nhân viên, mặt bằng, mua các khu đất vẽ dự án ma. Còn phần lớn tiền chuyển lòng vòng, che giấu nguồn gốc thực sự.

Bằng các thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.462 tỷ đồng, cho 4.548 bị hại.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT