Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Xi măng Bỉm Sơn báo lỗ 48 tỷ đồng trong quý I

Lê Đức Bình

CTCP Xi măng Bỉm Sơn giải trình do giảm doanh thu bán hàng, thu nhập khác và tăng chi phí tài chính lớn hơn mức giảm giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, kéo theo lãi gộp giảm sâu đã khiến cho lợi nhuận quý I/2023 chuyển từ lãi sang lỗ.

xi-mang-bim-son-lo-manh-48-ty-dong-antt-1684032400.jpg
CTCP Xi măng Bỉm Sơn quý I/2023 ghi nhận mức giảm doanh thu lớn hơn mức giảm chi phí. Ảnh minh họa.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của CTCP Xi măng Bỉm Sơn (MCK: BCC, HNX) ghi nhận doanh thu thuần giảm 28% so với cùng kỳ năm trước xuống mức 848 tỷ đồng. Doanh thu chủ yếu doanh thu từ xi măng và clinker chiếm gần 100%, phần nhỏ còn lại đến từ doanh thu khác.

Giá vốn hàng bán giảm 20% so với cùng kỳ xuống còn 812 tỷ đồng, tuy nhiên do doanh thu giảm khá nhiều khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh 79%, ghi nhận 36 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 14% quý I/2022 còn 4% quý I/2023. Đây cũng là quý có biên lợi nhuận gộp thấp nhất kể từ khi niêm yết trên sàn HNX năm 2006.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm khoảng 2 tỷ so với cùng kỳ, ở mức 9,7 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 44% lên hơn 12 tỷ đồng, toàn bộ đến từ chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng giảm 4% còn 42 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 23% còn 27 tỷ đồng.

Kết quả sau khi trừ hết các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế của công ty ghi nhận âm 48 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi tới 87 tỷ đồng, giảm 136,19 tỷ đồng so với quý I/2022. Từ đó, lợi nhuận sau thuế của Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận âm hơn 48 tỷ đồng, “tụt dốc” mạnh so với 68 tỷ đồng thực hiện quý I/2022.

Giải trình về việc lợi nhuận giảm mạnh, công ty cho biết do doanh thu bán hàng giảm 28,31%, tương ứng giảm 334,79 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 44%, tương ứng giảm 3,82 tỷ đồng. Đồng thời, giá vốn hàng bán ghi nhận giảm 19,74%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 22,98%; thu nhập khác giảm tới 93,76%. Tuy nhiên quý I/2023 mức giảm doanh thu bán hàng, thu nhập khác và mức tăng chi phí tài chính lớn hơn mức giảm giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đã kéo lợi nhuận xuống.

Ngoài ra, việc lợi nhuận âm còn đến từ những nguyên nhân khác, cụ thể:

Đối với sản lượng clinker giảm 9% còn 2.818.530 tấn; trong khi sản lượng xi măng tăng 8% lên 3,866,000 tấn. Do đó BCC đặt mục tiêu doanh thu cho năm 2023 khá khiêm tốn là 4,632 tỷ đồng, tăng 10%; lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng, giảm tới 56% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, hết quý I/2023, BCC đã thực hiện được 18% doanh thu và chưa có lợi nhuận.

Đối với hàng tồn kho 418 tỷ đồng, giảm 31%. Phần lớn đến từ nguyên liệu vật liệu 228 tỷ đồng, chiếm 55%; chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang 185 tỷ đồng, chiếm 44%; còn lại từ thành phẩm 31 tỷ đồng và công cụ, dụng cụ 3 tỷ đồng.

Đối với chi phí xây dựng cơ bản dở dang 87 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với đầu năm. Với dự án kho nguyên liệu 69 tỷ đồng, chiếm 79%; dự án trung tâm nhà điều hành Vicem hơn 10 tỷ đồng, chiếm 12%; còn lại từ xây dựng dự án CRC 5.6 tỷ đồng và xây dựng cơ bản dở dang khác 2 tỷ đồng.

Đối với nợ phải trả tăng 3%, lên 2.042 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn 1.974 tỷ đồng, chiếm 97%, chủ yếu là khoản phải trả người bán ngắn hạn 1.091 tỷ đồng, chiếm 55%; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 562 tỷ đồng, chiếm 29% và tăng 10% so với đầu năm.

Nợ dài hạn lên đến gần 68 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm. Riêng vay và nợ thuê tài chính dài hạn từ VietinBank - Chi nhánh Bắc Thanh Hóa gần 61 tỷ đồng, chiếm 90%.

Bình Đức (t/h)