Xu hướng dịch chuyển sang sàn TMĐT của các chuỗi bán lẻ

TMĐT không chỉ là kênh bán hàng mới mà đang trở thành mặt trận chiến lược của các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam.

Xu hướng dịch chuyển sang sàn TMĐT của các chuỗi bán lẻ - Ảnh 1.

Trong giai đoạn thị hiếu khách hàng đang chuộng mua sắm online và thương mại điện tử, nhiều chuỗi bán lẻ công nghệ đang có xu hướng dịch chuyển sang kênh bán hàng này và tận dụng giao hàng trực tiếp từ các kênh offline sẵn có. Đại diện nhiều chuỗi bán lẻ khẳng định, việc dịch chuyển sang TMĐT là điều tất yếu và là một trong những kênh kinh doanh trọng điểm.

Xu hướng dịch chuyển chung của toàn ngành

Theo ông Nguyễn Minh Khuê, đại diện hệ thống Viettel Store, việc các chuỗi bán lẻ điện thoại di động chuyển dịch sang các kênh thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee, Lazada… là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng yêu thích sự tiện lợi và nhanh chóng.

"Với gần 500 điểm bán trên toàn quốc, chuỗi đang kết hợp triển khai cải tiến và kết hợp giữa các kênh bán lẻ truyền thống và sàn TMĐT. Trên các sàn, chuỗi đã áp dụng các hình thức thanh toán linh hoạt, đồng thời đưa vào chính sách đổi trả trong vòng 60 ngày, điều mà trước đây vốn là điểm yếu của TMĐT so với hệ thống bán lẻ truyền thống", ông Khuê nói thêm.

Xu hướng dịch chuyển sang sàn TMĐT của các chuỗi bán lẻ - Ảnh 2.

Tương tự, đại diện chuỗi bán lẻ Di Động Việt cho biết, doanh nghiệp này đã sớm xác định TMĐT là cấu phần chiến lược trong mô hình kinh doanh, thay vì chỉ xem là kênh phụ.

"Việc mở rộng sang TMĐT giúp chúng tôi tiếp cận lượng khách hàng lớn toàn quốc, tối ưu chi phí và triển khai khuyến mãi linh hoạt", bà Phạm Thị Minh Thư, Giám đốc Ngành hàng Thương mại Điện tử tại Di Động Việt, chia sẻ. 

Với gần 4 năm bán hàng trên sàn TMĐT, chuỗi ghi nhận mức tăng trưởng doanh số rõ rệt. Cụ thể, trong năm qua, doanh số của Di Động Việt trên các sàn tăng 40–45%. Trong đó phụ kiện điện thoại tăng 60%, thiết bị gia dụng – nhà thông minh tăng 45% và điện thoại phổ thông (dưới 7 triệu đồng) tăng 15–35%.

Trong khi đó, Thế Giới Di Động lại chọn cách tự phát triển nền tảng TMĐT riêng thay vì mở gian hàng trên TikTok Shop hay Lazada (TGDĐ có gian hàng trên Shopee). Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của TGDĐ, doanh nghiệp đang tập trung toàn lực vào ứng dụng MWG Shop – nền tảng tích hợp toàn bộ hệ sinh thái bán lẻ và hậu mãi.

Thị trường còn nhiều dư địa

Thị trường điện tử tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến đạt doanh thu 6,89 tỷ USD trong năm 2024, trong đó điện thoại di động chiếm 4,18 tỷ USD, tương đương 61% thị phần. Theo dự báo từ Statista, thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ CAGR 2,16% giai đoạn 2024–2029, được thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng đối với smartphone, thiết bị nhà thông minh và các sản phẩm giải trí kỹ thuật số.

Trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), nhóm hàng điện thoại di động tiếp tục là phân khúc dẫn đầu trong ngành thiết bị điện tử tiêu dùng. Dữ liệu từ Metric.vn ghi nhận tổng doanh số ngành hàng này đạt 10.880 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 27% so với năm trước. Về sản lượng, có hơn 3,2 triệu sản phẩm điện thoại được bán ra, tăng 59%, là mức tăng cao nhất trong các nhóm sản phẩm có giá trị lớn.

Xu hướng dịch chuyển sang sàn TMĐT của các chuỗi bán lẻ - Ảnh 3.

Phân khúc điện thoại phổ biến rơi vào hai nhóm giá dưới 5 triệu đồng và trên 30 triệu đồng, phản ánh sự phân hoá mạnh mẽ trong hành vi tiêu dùng.

Đáng chú ý, 5 gian hàng có doanh số cao nhất trong nhóm sản phẩm điện thoại đều là các nhà phân phối chính hãng, bao gồm Viettel Store - AAR (Shopee) – tăng trưởng 137%; ShopDunk Official Store (Shopee) – tăng trưởng 65%; Samsung Flagship Store (Lazada) – tăng trưởng 61%; Apple Flagship Store tăng trưởng lần lượt 52% trên sàn Shopee và 10% trên sàn Lazada.

Thúy Hạnh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT