Xuất hiện cứu tinh cho ngành sầu riêng Việt Nam: Xuất khẩu tăng gấp 3 lần, đến Thái Lan cũng mạnh tay chốt đơn
Việt Nam vừa ghi nhận 388 lô sầu riêng ‘cứu tinh’, đạt 14.282 tấn trong nửa đầu năm 2025.

Ảnh minh họa
Số liệu từ Cục Hải quan cho biết trong tháng 6, xuất khẩu rau quả đạt 807 triệu USD, tăng gần 31% so với tháng trước đó và tăng trên 20% so với cùng kỳ. Đây là tháng đầu tiên ngành rau quả ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay sau chuỗi 5 tháng liên tiếp sụt giảm.
Theo đánh giá của Hiệp hội Rau quả VinaFruit, một trong những động lực tăng trưởng trong các tháng gần đây đến từ việc sầu riêng đã quay trở lại đường đua xuất khẩu.
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu sầu riêng đông lạnh tăng mạnh, kể cả sang thị trường Thái Lan. Trong 6 tháng đầu năm, sầu riêng đông lạnh ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc với 388 lô xuất khẩu, đạt 14.282 tấn, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước áp lực sầu riêng khó xuất khẩu do Trung Quốc siết chặt quản lý hàm lượng Cadimi và chất vàng O, các doanh nghiệp và vùng trồng đã thận trọng hơn trong việc chăm sóc và kiểm tra chất lượng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay các vùng trồng sầu riêng đang kiểm soát tốt về chất lượng, nhất là hàm lượng Cadimi và dự báo sẽ có kết quả tốt trong vụ thu hoạch này. Bên cạnh đó, tính theo yếu tố chu kỳ, nhu cầu nhập khẩu rau quả thường tăng vào các mùa lễ hội như dịp Trung thu tới đây và dịp Tết Nguyên đán của Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu.
Hiện người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các sản phẩm rau quả chế biến do tính tiện lợi và giá trị gia tăng. Đây là xu hướng mà các nhà xuất khẩu cần nắm bắt, trong đó có sầu riêng và các sản phẩm nông sản khác như dừa, thơm, chanh leo. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường Trung Quốc chiếm tới 90% giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng thị trường.
Các thị trường như Arab Saudi, châu Âu, Trung Đông, và các nước Halal,.. được coi là những thị trường tiềm năng cho sầu riêng tươi và đông lạnh. Trong đó sầu riêng đông lạnh, chế biến rất phù hợp với các quốc gia phương Tây vì dễ bảo quản, không quá nặng mùi.
Tính đến tháng 6, Việt Nam đã có 1.396 mã số vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã, đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Toàn bộ dữ liệu đã được số hóa, tích hợp vào hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia, góp phần tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả quản lý.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự báo xuất khẩu sầu riêng có khả năng phục hồi từ quý III/2025, đặc biệt vào mùa vụ chính từ tháng 8 đến tháng 10. Tuy nhiên, mức phục hồi vẫn phụ thuộc lớn vào việc doanh nghiệp và nông dân có duy trì được điều kiện an toàn thực phẩm như đã cam kết. Nếu tình trạng vi phạm còn tái diễn thì rủi ro xuất khẩu ngành hàng này vẫn còn rất lớn.
Như Quỳnh