ACB chốt danh sách cổ đông trả cổ tức 2024 tổng tỷ lệ 25%

Ngày 26/5 là ngày ACB chốt danh sách cổ đông để thực hiện trả cổ tức 2024 bằng tiền mặt tỷ lệ 10% và 15% bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn lên tối đa 51.367 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa thông báo ngày 26/5 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2024 bằng tiền hoặc cổ phiếu.

Theo đó, ngày 5/6 sắp tới, ACB sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%/cổ phiếu, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng cổ tức. Với 4,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ACB dự chi 4.466,6 tỷ đồng để trả cổ tức.

Đối với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, ACB dự kiến thực hiện theo tỷ lệ 15%, tương đương phát hành tối đa gần 670 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện 100:15, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới.

ACB chốt danh sách cổ đông trả cổ tức 2024 tổng tỷ lệ 25%- Ảnh 1.

Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ là lợi nhuận lũy kế chưa phân phối hợp nhất tại thời điểm 31/12/2024 sau khi trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ của các công ty con, và quỹ khen thưởng phúc lợi theo Nghị quyết số 1898/TCQĐ-ĐHĐCĐ.25 ngày 8/4/2025 về việc phân phối lợi nhuận năm 2024, kế hoạch lợi nhuận và phân phối lợi nhuận năm 2025 là 23.633.752.272.059 đồng. Trong đó, số tiền để sử dụng chia cổ tức bằng cổ phiếu: 6.699.986.870.000 đồng.

Mới đây, ACB cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận về việc tăng vốn điều lệ. Cụ thể, NHNN đã chấp thuận việc ACB tăng vốn thêm tối đa gần 6.700 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Đây là phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra vào ngày 8/4 thông qua. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 44.667 tỷ đồng lên tối đa 51.367 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2025.

Về tình hình kinh doanh trong quý I/2025, ACB mang về thu nhập lãi thuần gần 6.359 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lãi thuần từ dịch vụ tăng 17% lên 872 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp đôi lên 475 tỷ đồng...

Trong kỳ, ACB tăng 22% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên mức 626 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận trước thuế giảm 6% về mức gần 4.597 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của ACB ghi nhận 8.844 tỷ đồng, tăng 2% sau 3 tháng đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ từ 1,5 lên 1,51% tại thời điểm cuối tháng 3/2025.

Hà Ly

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT