Bà chủ Xuyên Việt Oil nói về việc khắc phục 219 tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu
Bà chủ Xuyên Việt Oil thừa nhận việc chỉ đạo nhân viên gây thất thoát hơn 219 tỷ đồng của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bà nói sẽ khắc phục số tiền này từ tài sản công ty và nhờ người khác đứng tên.
Như đã đưa tin, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ sai phạm diễn ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan bắt đầu từ ngày 20/11.
Trong buổi xét xử đầu tiên, HĐXX tiến hành xét hỏi các bị cáo. Trong đó, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil) là người đầu tiên trả lời câu hỏi của HĐXX.
Bà chủ Xuyên Việt Oil nói sẽ khắc phục 219 tỷ đồng Quỹ BOG
Bị cáo Hạnh thừa nhận những hành vi như cáo trạng truy tố. Đồng thời, Hạnh thừa nhận mình là người điều hành toàn bộ Công ty Xuyên Việt Oil và cũng là người đưa ra các chỉ đạo cho thuộc cấp thực hiện.
Về việc tuyển nhân viên, Hạnh khai những người làm việc ở Xuyên Việt Oil đều là những người ở quê vào, ít hiểu biết và không biết bị cáo đang làm sai quy định.
Như trường hợp của Nguyễn Thị Như Phương, bị cáo Hạnh nói Phương là em con chú, được bị cáo cho làm Phó giám đốc để quản lý công ty, chịu trách nhiệm ký tá nhiều giấy tờ thay bị cáo vì bị cáo thường phải đi công tác xa.
Hay như bị cáo Đinh Tiến Dũng được bổ nhiệm làm kế toán trưởng của Công ty Xuyên Việt Oil, nhưng thực tế Dũng chỉ đến công ty vài lần trong một tháng khi có việc cần. Ngoài ra, cựu Trưởng phòng Kinh doanh Xuyên Việt Oil - Nguyễn Tấn Long cũng được nhận vào làm vì là người quen, tin tưởng và chỉ có nhiệm vụ ở công ty để bán hàng.
Chủ tọa, thẩm phán Nguyễn Minh Châu hỏi rằng: Tháng 5/2023, trên cơ sở chỉ đạo của bị cáo Hạnh, bị cáo Phương ký công văn báo cáo số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) tính đến ngày 31/5/2023 là 219 tỷ đồng, nhưng tổng số dư thực tế trong 3 tài khoản Quỹ BOG mà Công ty Xuyên Việt Oil báo cáo chỉ có hơn 2 tỷ đồng.
Cụ thể, tài khoản tại BIDV, có số dư 1.003.955 đồng; tại SHB, có số dư 1.013.360 đồng; tại VietinBank, có số dư 128 đồng. Cơ quan điều tra xác định không có đủ số tiền như thế, thì bị cáo giải thích như thế nào?
Về việc khắc phục 219 tỷ đồng này, bị cáo Hạnh nói có thể khắc phục vì công ty còn có tài sản trước khi kinh doanh, cộng với tài sản của bị cáo hiện đang nhờ người khác đứng tên.
Phó giám đốc chỉ biết ký theo chỉ đạo
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Như Phương nói có ký 18 báo cáo theo chỉ đạo của bà Hạnh. Bị cáo Phương khai trong Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo là người quản lý dòng tiền, thủ quỹ, theo dõi các tài khoản.
Bị cáo Phương trình bày đây là công ty gia đình nên bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của bà Mai Thị Hồng Hạnh. Bị cáo khai rằng từ năm 2017, bà Hạnh thấy gia đình bị cáo khó khăn nên nhận bị cáo vào làm việc tại công ty. Sau ba năm, bị cáo được bổ nhiệm làm phó giám đốc.
Về việc vì sao tài khoản công ty chỉ có vài triệu nhưng lại ký báo cáo Bộ Công Thương số tiền 219 tỷ đồng, bị cáo Phương khai: "Lúc đó, tài khoản công ty chỉ còn vài triệu đồng, nhưng báo cáo lại thể hiện con số 219 tỷ đồng. Tôi không hiểu bản chất của những con số trong báo cáo đó, chỉ biết ký theo chỉ đạo".
Phương khẳng định bản thân không hề được hưởng lợi gì từ các sai phạm, chỉ làm công ăn lương, được trả lương hàng tháng và có thưởng vào dịp Tết.
Theo cáo trạng, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil, bị xét xử về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ.
Cấp phó của bị cáo Hạnh là Nguyễn Thị Như Phương bị xét xử tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trong quá trình điều hành Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo Hạnh có vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền là 1.463 tỷ đồng.
Cụ thể, bị cáo Hạnh đã vi phạm các quy định về sử dụng Quỹ Bình ổn giá và tiền bảo vệ môi trường, trực tiếp gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, thất thoát từ Quỹ Bình ổn giá là 219 tỷ đồng, thất thoát từ thuế bảo vệ môi trường là 1.244 tỷ đồng.
Bị cáo Hạnh đã không chỉ đạo nhân viên thực hiện quy định về trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định mà chỉ đạo Nguyễn Thị Như Phương chuyển tiền từ tài khoản công ty vào tài khoản cá nhân để dùng vào mục đích cá nhân.
Tại thời điểm tháng 5/2023, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Xuyên Việt Oil là hơn 219 tỷ đồng, tuy nhiên khi báo cáo liên Bộ Tài chính - Công Thương, Hạnh và thuộc cấp chỉ báo cáo quỹ này chỉ có hơn 2 tỷ đồng. Với hành vi này, bị cáo Hạnh và nhiều thuộc cấp bị cáo buộc vi phạm quy định trong việc được Nhà nước giao quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, gây thất thoát 219 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, Công ty Xuyên Việt Oil đã thu hộ 1.244 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường nhưng Hạnh lại không nộp vào ngân sách Nhà nước là 1.244 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.
Tính đến khi bị phát hiện, khởi tố, trong 36 tài khoản của Hạnh và Công ty Xuyên Việt Oil chỉ còn lại hơn 4 tỷ đồng. Bị cáo Hạnh không còn khả năng tài chính để nộp số tiền đã thu hộ này, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng.
Về số tiền thất thoát, Hạnh sử dụng vào nhiều mục đích cá nhân, trong đó Hạnh mua nhiều bất động sản, cho mượn và dùng hàng chục tỷ đồng để đưa hối lộ cho nhiều cá nhân tại Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Cục Thuế TP.HCM,…
Hoàng Lam (t/h)