Bà Trương Mỹ Lan mời 8 luật sư bào chữa tại phiên phúc thẩm đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2
Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đồng thời mời 8 luật sư bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.
TAND cấp cao tại TP.HCM vừa ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Phiên toà được mở do có kháng cáo của 28 bị cáo (trong đó có bà Trương Mỹ Lan) và kháng cáo của 42 bị hại.
Phiên toà dự kiến sẽ được đưa ra xét xử từ ngày 25/3 đến ngày 21/4, do Thẩm phán Phạm Công Mười làm chủ toạ phiên toà. Bên cạnh đó, HĐXX còn có các thẩm phán Chung Văn Kết, Hoàng Minh Thịnh, 2 thẩm phán dự khuyết là bà Bùi Thị Thu, Nguyễn Thị Thanh.
Đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM tham gia phiên tòa là các Kiểm sát viên cao cấp là các ông Võ Phong Lưu, Nguyễn Vi Dũng và ông Nguyễn Khánh Toàn và ông Nguyễn Văn Tùng (tham gia dự khuyết).
Trong số các bị hại có kháng cáo có 35 cá nhân. Người có quyền lợi nghĩa vụ, liên quan có kháng cáo là Công ty TNHH Đô thị Sing Việt; Ngân hàng SCB, Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt và 4 cá nhân khác.
Trong đó, Công ty Tư nhân TNHH Amaland và Công ty TNHH Đô thị Sing Việt kháng cáo liên quan đến dự án khu đô thị và khu tái định cư Sing Việt tại huyện Bình Chánh.
SCB kháng cáo về phần xử lý vật chứng các tài sản trong vụ án liên quan ngân hàng này; Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) kháng cáo phần kê biên tài sản, phần thu hồi cổ phần và giải toả ngăn chặn giao dịch.
Ông Lâm Minh Vân và Lâm Thanh Bình kháng cáo về việc thu hồi tài sản trong vụ án; bà Tốn Thị Thanh Hoàng kháng cáo về các tài sản bị ngăn chặn giao dịch liên quan đến ông Nguyễn Tiến Thành; ông Nguyễn Thành Phương kháng cáo về phần xử lý vật chứng liên quan đến bà Nguyễn Phương Hồng.
HĐXX phiên phúc thẩm cũng cho biết, tại phiên tòa sắp tới, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bà Lan mời 8 luật sư bào chữa, gồm: luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Giang Hồng Thanh, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Bùi Phương Lan, Nguyễn Sơn Hải và Nguyễn Huyền Ly.
HĐXX cũng cho biết, ngoài bà Lan, vụ án còn có 27 bị cáo khác kháng cáo, trong đó có bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan, Tổng giám đốc Công ty WMC, bị HĐXX sơ thẩm tuyên 5 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản") kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Trương Mỹ Lan
Tại bản án sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án, HĐXX TAND TP.HCM tuyên ngày 17/10/2024 đã phạt bà Trương Mỹ Lan mức án tù chung thân cho tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 12 năm tù về tội "Rửa tiền" và 8 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Tổng hợp hình phạt chung của bà Lan là tù chung thân.
HĐXX nhận định bà Trương Mỹ Lan có vai trò chi phối SCB, đồng ý với đề nghị của Nguyễn Phương Hồng cho mượn các công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu.
Bà Lan đã chủ trương thực hiện nhiều thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng của hơn 35.000 bị hại, thiết lập các giao dịch khống và chuyển tiền qua biên giới. Vì vậy, bà Lan phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án.
Ngoài ra, bị cáo Lan còn chỉ đạo các bị cáo khác chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.000 tỷ đồng do phạm tội mà có.
Ở tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, dù các bị cáo không mang tiền qua biên giới về mặt cơ học nhưng các bị cáo đã lợi dụng thanh toán, giao dịch ngoại hối của ngân hàng để thực hiện hành vi vận chuyển tiền qua biên giới với số tiền đặc biệt lớn 4,5 tỷ USD.
Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Trương Mỹ Lan có trách nhiệm bồi thường hơn 30.000 tỷ đồng cho hơn 35.000 bị hại.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan bị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm tuyên y án tử hình chung cho 3 tội danh "Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Tham ô tài sản".
Hoàng Lam (t/h)