Bản tin kinh tế ngày 1/4/2025

Sapphire Coast gia hạn trái phiếu thêm 2 năm; OCB muốn tăng vốn điều lệ vượt 26.600 tỷ đồng trong năm 2025;… là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 1/4/2025.

Sapphire Coast gia hạn trái phiếu thêm 2 năm

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP Sapphire Coast vừa có báo cáo về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Theo đó, trong kỳ báo cáo từ 1/1/2024 đến 31/12/2024, Sapphire Coast đã thanh toán tổng cộng gần 2,4 tiền lãi và 45,5 tỷ đồng tiền gốc lô trái phiếu SPCCH2124001.

Bản tin kinh tế ngày 1/4/2025- Ảnh 1.

Nguồn: HNX

Đối với hơn 22,5 tỷ đồng tiền lãi và 423,5 tỷ đồng tiền gốc, doanh nghiệp đã được người sở hữu trái phiếu chấp thuận gia hạn đến ngày 27/12/2026.

Được biết, lô trái phiếu SPCCH2124001 do Sapphire Coast phát hành ngày 27/12/2021, kỳ hạn ban đầu là 3 năm, giá trị phát hành 706,6 tỷ đồng.

Về Sapphire Coast, doanh nghiệp này thành lập ngày 22/6/2020, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Vốn điều lệ ban đầu 250 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập gồm: Trương Thiện Long (35%), Phạm Duy Đông (30%) và Phạm Thị Phương Thúy (35%).

Sau nhiều lần điều chỉnh, tính đến tháng 1/2025, vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng từ 360 tỷ đồng lên 480 tỷ đồng.

Hiện, ông Hoàng Văn Long (SN 1980) đang giữ vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Sapphire Coast. Vị trí này trước đó do ông Trần Vũ Hoàng (SN 1993) đảm nhiệm.

Ông Trần Vũ Hoàng còn được biết là Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư và Phát triển Ruby Land.

OCB muốn tăng vốn điều lệ vượt 26.600 tỷ đồng trong năm 2025

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2025 với nhiều nội dung đáng chú ý. Đại hội dự kiến được tổ chức vào ngày 22/4 tới đây tại TPHCM.

Về các chỉ tiêu tài chính trong năm 2025, OCB đặt ra mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2025 đạt 316.779 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ đồng, tăng 14%; trong khi tổng dư nợ thị trường 1 đạt 208.472 tỷ đồng, tăng 16%.

Ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 5,338 tỷ đồng, tăng 33% so với kết quả 2024. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Về phương án phân phối lợi nhuận, năm 2024, lợi nhuận trước thuế của OCB hơn 4.006 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ, cộng với lợi nhuận còn lại các năm trước, lợi nhuận còn lại gần 3.706 tỷ đồng.

Trong đó, OCB dự kiến dùng số tiền 1.726 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%. Tổng lợi nhuận Ngân hàng còn lại sau khi trả cổ tức tiền mặt là gần 1.980 tỷ đồng.

Một tờ trình đáng chú ý khác là kế hoạch tăng vốn điều lệ. Theo đó, OCB dự kiến phát hành 197,26 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu.

Nguồn vốn sử dụng từ vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2024, xác định theo BCTC riêng và hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ theo quy định. Thời gian thực hiện trong năm 2025, ngay sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 24.658 tỷ đồng lên 26.630,5 tỷ đồng. Số vốn huy động được OCB dự kiến dùng để đầu tư công nghệ thông tin, nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay.

Cổ phiếu của Chứng khoán APG vào diện không được cấp margin

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có văn bản thông báo về danh sách bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).

Theo đó, mã chứng khoán APG của Công ty cổ phần Chứng khoán APG bị HoSE cắt margin do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán 2024 là số âm.

Cụ thể, tại báo cáo tài chính 2024 đã kiểm toán, Chứng khoán APG đã ghi nhận lỗ sau thuế gần 130,5 tỷ đồng, trong khi năm 2023, doanh nghiệp vẫn báo ròng hơn 140,2 tỷ đồng.

Theo giải trình từ Chứng khoán APG, việc chênh lệch lợi nhuận sau thuế giữa các năm 2023 và 2024 là do chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL năm 2024 giảm và chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL năm 2024 tăng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng ghi nhận lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL 2024 tăng.

Như vậy, với việc thêm mã chứng khoán APG vào danh sách, số lượng cổ phiếu bị cắt margin trên HoSE đến ngày 28/3/2025 là 84 mã. Trong đó, vẫn bao gồm các mã quen thuộc như AGM, NVL, QCG, HAG, RDP,...

Nguyên nhân các mã chứng khoán bị cắt margin chủ yếu là do đang nằm trong diện kiểm soát, thuộc diện cảnh báo, đang bị đình chỉ giao dịch, thuộc diện hạn chế giao dịch, lợi nhuận sau thuế trên BCTC soát xét bán niên năm 2024 là số âm, chậm công bố thông tin báo cáo tài chính,...

KIM Việt Nam không còn là cổ đông lớn tại Gemadept

Bản tin kinh tế ngày 1/4/2025- Ảnh 2.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có văn bản thông báo về danh sách bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).

Công ty Cổ phần Gemadept (MCK: GMD, sàn HoSE) vừa công bố văn bản báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan đến cổ đông lớn, nhà đầu tư nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu của công ty.

Theo đó, ngày 27/3/2025 vừa qua, nhóm quỹ liên quan Công ty TNHH quản lý quỹ KIM Việt Nam là TMAM Vietnam Equity Mother Fund vừa bán ra 200.000 cổ phiếu GMD.

Qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu vốn của cả nhóm quỹ KIM Việt Nam từ 5,03% (hơn 21,12 triệu cổ phiếu) xuống còn 4,98% (hơn 24,92 triệu cổ phiếu) và chính thức rời ghế cổ đông lớn tại Gemadept.

Tạm tính giá cổ phiếu GMD theo phiên giao dịch đóng cửa ngày 27/3/2025 là 58.100 đồng/cổ phiếu, nhóm quỹ này đã thu về khoảng 11,62 tỷ đồng từ giao dịch bán ra cổ phiếu nêu trên.

Trong một diễn biến khác, mới đây Gemadept vừa công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc tăng vốn điều lệ và sửa đổi điều lệ của công ty.

Theo đó, doanh nghiệp đã thông qua việc đăng ký tăng vốn điều lệ từ hơn 4.139,8 tỷ đồng lên hơn 4.201,9 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng nhờ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP), thời điểm thay đổi vốn ngày 7/3/2025.

Trước đó, ngày 3/3/2025, Gemadept đã kết thúc đợt phát hành hơn 6,2 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên có thành tích xuất sắc trong năm 2023 với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành tính theo mệng giá gần 62,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu bị phong tỏa (hạn chế chuyển nhượng) trong vòng 2 năm kể ngày kết thúc đợt phát hành, trong năm thứ 3 sẽ giải tỏa 50% số cổ phiếu và năm thứ 4 sẽ giải tỏa 50% số cổ phiếu còn lại.

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT