Bản tin kinh tế ngày 1/9/2024

Đầu tư LDG lỗ thêm 100 tỷ sau soát xét; Âu Lạc bị xử phạt 350 triệu đồng;.. là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.

Bộ Tài chính đề xuất bồi thường cho người dân, doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế

Bản tin kinh tế ngày 1/9/2024- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính đang xây dựng tờ trình sửa đổi Luật Quản lý thuế. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ quy định mức tiền phải trả lãi theo Luật Quản lý thuế. Thay vào đó, người nộp thuế bị chậm hoàn thuế sẽ được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Luật Quản lý thuế nêu rõ người nộp thuế được nhận mức lãi 0,03% một ngày khi bị chậm hoàn thuế. Nhưng tại tờ trình Chính phủ về sửa Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính cho biết hiện nay chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục và kinh phí để hoàn trả tiền lãi này.

Điều này dẫn đến việc cơ quan thuế chưa có cơ sở thực hiện theo Luật Quản lý thuế. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về việc trả lãi tại luật này.

Thêm vào đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, khoản tiền lãi phải trả cho người nộp thuế được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ Luật dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Tức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm; trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức 20%/năm, tức 10%/năm.

Như vậy, khi cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế chậm, người nộp thuế có thể được bồi thường với mức lãi suất không quá 10%/năm.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thuế ban hành 10.494 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), tương ứng số tiền 76.355 tỷ đồng, bằng 107% so với cùng kỳ 2023.

Thực tế, câu chuyện doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng và rơi vào tình trạng khó khăn tài chính không phải là hiếm gặp.

Hồi tháng 6/2024, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành như gỗ, giấy, cao su... liên tục phản ánh việc bị nợ hoàn thuế cả nghìn tỷ đồng khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Kinh Bắc huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu để cơ cấu nợ vay

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã: KBC, sàn HoSE) công bố kết quả phát hành trái phiếu mã KBCH2426001 với khối lượng 1.000 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng.

Lô trái phiếu được phát hành ngày 28/8, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 10,5%/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. Đây là lô trái phiếu duy nhất mà Kinh Bắc đang lưu hành.

Theo Nghị quyết số 2308.2/2024/KBC/NQ-HĐQT ngày 23/8, Kinh Bắc cho biết, mục đích phát hành trái phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ chính của Kinh Bắc đối với các công ty: Công ty CP Khu Công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang; Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.

Tài sản đảm bảo gồm: cổ phần Công ty CP KCN Sài Gòn - Hải Phòng (SHP) thuộc sở hữu của Kinh bắc; các quyền, quyền lợi và lợi ích được hưởng theo các khoản thu được và phân chia liên quan đến cổ phần SHP được thế chấp.

Tỷ lệ tài sản bảo đảm tối thiểu 220% tổng giá trị mệnh giá trái phiếu đang lưu hành và chưa được thanh toán gốc.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần gần 892 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức 464,6 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ.

Hoạt động tài chính của KBC cũng giảm 20% khi chỉ đem về hơn 109,3 tỷ đồng.Trong khi đó, chi phí tài chính giảm 56% còn gần 55,4 tỷ đồng. Cùng chiều, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt được cắt giảm 68% và 41%, lần lượt ở mức 49 tỷ đồng và 116,7 tỷ đồng.

Trong kỳ công ty ghi nhận lợi nhuận khác đạt gần 34 tỷ đồng, tăng đột biến so với con số 17,7 triệu đồng cùng kỳ năm trước nhưng không được thuyết minh chi tiết.

Kết quả, Kinh Bắc ghi nhận lợi nhuận sau thuế 268 tỷ đồng trong quý II/2024, giảm 74% so với quý II/2023. Công ty lý giải nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận suy giảm là do giảm ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần KBC đạt hơn 1.044 tỷ đồng và lãi ròng chỉ còn hơn 191,2 tỷ đồng, giảm lần lượt 77% và 91% so với nửa đầu năm 2023. Trong đó, doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng giảm tới 88%, ở mức hơn 531 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý II/2024, tổng số nợ phải trả của Kinh Bắc cũng phình to thêm 55% so với đầu năm, lên gần 20.492 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do công ty "ôm" khoản nhận cọc dài hạn gần 5.703 tỷ đồng, gấp 285 lần đầu năm.

Đầu tư LDG lỗ thêm 100 tỷ sau soát xét

Bản tin kinh tế ngày 1/9/2024- Ảnh 2.

Dự án khu dân cư Tân Thịnh.

CTCP Đầu tư LDG (MCK: LDG, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024 với doanh thu thuần bán niên 2024 vẫn giữ nguyên sau soát xét, ở mức âm 149 tỷ đồng.

Giá vốn 16 tỷ đồng khiến doanh nghiệp lỗ gộp 165,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí lãi vay tăng vọt 105% sau soát xét lên 27 tỷ đồng do phát sinh chi phí dự phòng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng vọt 116,03 tỷ đồng, từ 20,26 tỷ đồng ở báo cáo tự lập lên 136,29 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản thuế, phí, LDG lỗ ròng 396,16 tỷ đồng, trong khi ở báo cáo tự lập là lỗ 296,11 tỷ đồng.

LDG cho biết thêm, nguyên nhân tăng lỗ tại báo cáo tài chính riêng là do đơn vị kiểm toán hiện hành đã thực hiện điều chỉnh trích lập bổ sung thêm dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng đầu tư tài chính so với báo cáo tài chính riêng quý II/2024.

Đối với việc kiểm toán nhấn mạnh về Dự án Khu dân cư Tân Thịnh với số dư tại thời điểm 30/6/2024 là 516,86 tỷ đồng, LDG cam kết hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản và xây dựng căn cứ theo kết luận thanh tra ngày 23/3/2023 về việc thanh tra toàn diện dự án Khu dân cư Tân Thịnh để tiếp tục triển khai hoàn thành dự án.

Cũng liên quan đến dự án Tân Thịnh, ông Nguyễn Khánh Hưng- cựu Chủ tịch HĐQT Đầu tư LDG đang bị khởi tố và tạm giam để phục vụ việc điều tra về hành vi "lừa dối khách hàng". Đến ngày 11/4/2024, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục khởi tố ông Nguyễn Quốc Vy Liêm- cựu Phó Tổng Giám đốc LDG, cũng về hành vi trên.

"Đến ngày lập Báo cáo tài chính hợp nhất, Đầu tư LDG vẫn đang chờ kết luận của cơ quan chức năng và chưa có cơ sở để đánh giá các ảnh hưởng (nếu có) của vụ việc trên đến hoạt động kinh doanh của Đầu tư LDG", đơn vị kiểm toán nhấn mạnh.

Tuy nhiên, phía LDG cho biết vụ việc trên không làm thay đổi/ảnh hưởng đến kế hoạch, chiến lược, hoạt động kinh doanh và đầu tư của công ty. LDG cam kết nỗ lực tối đa để ổn định mọi hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông, đối tác...

Cũng tại BCTC kiểm toán vừa công bố, đơn vị kiểm toán cho biết cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Đầu tư LDG.

LDG cho biết đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, kế hoạch để giải quyết các vấn đề về dòng tiền. Cụ thể, công ty đã thu toàn bộ các khoản cho vay. Các khoản phải thu còn lại, LDG vẫn đang tiếp tục thu hồi công nợ khi đến hạn theo lộ trình thanh toán.

LDG đã và đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng để cơ cấu, gia hạn nợ vay, giãn lịch thanh toán.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tiếp tục làm việc với các trái chủ để thỏa thuận gia hạn nghĩa vụ nợ. Khoản nợ gốc trái phiếu 180 tỷ đồng sẽ được tất toán khi công ty thanh toán khoản lãi tương ứng. Đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu còn lại, công ty đã có kế hoạch hoàn tất nghĩa vụ này trong năm 2024.

Âu Lạc bị xử phạt 350 triệu đồng

UBCKNN ban hành Quyết định số 951/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Âu Lạc (địa chỉ tại số 117 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Theo đó, Công ty Âu Lạc bị phạt tiền 350 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do Không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán.

Cụ thể, Công ty cổ phần Âu Lạc trở thành công ty đại chúng ngày 6/8/2007, tuy nhiên cho đến nay, Công ty không thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán.

Được biết, Công ty cổ phần Âu Lạc được thành lập ngày 4/9/2002. Ngành nghề kinh doanh của công ty là vận tải nhiên liệu ven biển và viễn dương; Kinh doanh vận tải nhiên liệu đường thủy nội địa; Dịch vụ hàng hải – Kinh doanh vận tải biển; Dịch vụ đại lý tàu biển…

Hiện, bà Ngô Thu Thúy đang là Chủ tịch HĐQT và ông Mai Văn Tùng là Tổng Giám đốc.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6/2024, Âu Lạc đang sở hữu tổng tài sản 2.546,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 1.088,9 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.027,9 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Âu Lạc ghi nhận doanh thu đạt 796 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 171 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình từ phía Âu Lạc, nguyên nhân lợi nhuận tăng là do kể từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023 Công ty đã đầu tư thêm 3 tàu mới, do vậy 6 tháng đầu năm 2023 chỉ có hơn 5 tàu hoạt động, trong khi 6 tháng đầu năm 2024 có 8 tàu hoạt động, góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận so với 6 tháng năm 2023.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT