Bản tin kinh tế ngày 21/10/2024
PGBank tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng; Mất gần 3 tỷ đồng khi cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo;...là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.
PGBank tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, MCK: PGB, UPCoM) vừa công bố BCTC quý III/2024 với thu nhập lãi thuần đạt 416 tỷ đồng, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này là nhờ thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng trưởng trong khi chi phí lãi và các chi phí tương tự giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở nguồn thu ngoài lãi, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 40% từ 14,9 tỷ đồng về gần 9 tỷ đồng, lãi hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng hơn 5 lần lên 8,3 tỷ đồng; lãi hoạt động khác tăng gấp đôi lên 14,55 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động ở mức 224 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức 223,6 tỷ đồng, tăng 96,5% so với cùng kỳ năm trước.
PGBank trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý III/2024 hơn 146,6 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Khấu trừ các khoản thuế, phí, ngân hàng này báo lãi ròng 61,5 tỷ đồng, tăng 35,8%.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần 1.230,8 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm nhẹ 4,4%, về mức 275,5 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2024 là 292,2 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của PGBank đạt 61.804 tỷ đồng, tăng 11,4% so với đầu năm; trong đó, dư nợ cho vay khách hàng 36.475 tỷ đồng; tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác và cho vay các TCTD khác ở mức, 20.405 tỷ đồng, tăng 43%.
Cũng theo BCTC quý III/2024 của PGBank, tổng số dư nợ xấu tính đến cuối tháng 9/2024 của ngân hàng hơn 1.175 tỷ đồng, tăng gần 17% so với đầu năm, tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,85% lên 3,19%.
Chính phủ trình phương án bổ sung vốn hơn 20.000 tỷ đồng cho Vietcombank
Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước cho Ngân hàng Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Thời gian thực hiện là năm 2024 và tiếp tục trong năm 2025 nếu chưa hoàn thành.
Theo báo cáo của Chính phủ, vốn điều lệ hiện nay của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhiều ngân hàng TMCP tư nhân như: VPBank (79.339 tỷ đồng), Techcombank (70.450 tỷ đồng) và không có sự cách biệt lớn so với một số ngân hàng khác như: MB (52.871) tỷ đồng, ACB (44.667 tỷ đồng), SHB (36.629 tỷ đồng).
Vì vậy, nếu Vietcombank không được tăng vốn điều lệ thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng.
Việc tăng vốn điều lệ cũng là cơ sở để Vietcombank mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt trong việc thực hiện cho vay các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ nền kinh tế của đất nước.
Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank cũng nhằm tạo điều kiện để ngân hàng này đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định hiện nay.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, việc tăng vốn cho Vietcombank sẽ giúp cho ngân hàng có tiềm lực để tiếp tục phát huy trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế.
Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước là cơ sở để VCB nâng cao năng lực tài chính, có nguồn lực để cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng Quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt lớn. Theo quy định tại Điều 136 Luật Các TCTD năm 2024, giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người liên quan phụ thuộc vào vốn tự có.
Vì thể, trường hợp VCB không được đầu tư bổ sung vốn nhà nước thì với mức vốn tự có hiện tại của VCB sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng Quốc gia có nhu cầu vốn đặc biệt lớn như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng Quốc gia, cầu đường, cảng biển,…
Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB cũng là điều kiện cần thiết để VCB có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, NHNN giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế.
Theo phương án mà Chính phủ đề xuất, Vietcombank sẽ phát hành 2.766.600.173 cổ phiếu để chia cổ tức, tỷ lệ chi trả 49,5%. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, Vietcombank sẽ có vốn điều lệ 83.557 tỷ đồng. Nguồn sử dụng để phát hành và tăng vốn điều lệ là lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Trong đó, cổ đông Nhà nước là 20.695 tỷ đồng và cổ đông ngoài nhà nước là 6.971 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là năm 2024 và tiếp tục trong năm 2025 nếu chưa hoàn thành.
Đối với lợi nhuận còn lại năm 2022, 2023, hiện nay NHNN đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan để làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư bổ sung vốn cho Vietcombank.
Mất gần 3 tỷ đồng khi cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo
Công an TP.Hà Nội thông tin, Công an quận Tây Hồ đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, vào ngày 15/10/2024, Công an quận Tây Hồ nhận được tin trình báo của chị T. (SN 1981, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) về việc chị có nhận được điện thoại của một đối tượng giả danh cán bộ công an, yêu cầu chị cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo.
Sau khi cài đặt xong, chị T. phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất gần 3 tỷ đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Thời gian qua, Công an TP.Hà Nội liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh Công an gọi điện yêu cầu người dân cài đặt phần mềm Dịch vụ công "giả mạo" để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí, mất cảnh giác nên đã "sập bẫy" thủ đoạn này.
Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ Công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân của họ bị lỗi trên hệ thống hoặc cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan Công an để làm việc. Với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ, đối tượng sẽ thúc ép để người dân phải khẩn trương tải phần mềm Dịch vụ công "giả mạo", do đối tượng cung cấp.
Ngay sau khi cài đặt phần mềm giả mạo này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP.Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Khởi tố, bắt tạm giam một Trưởng phòng giao dịch ngân hàng lừa đảo 80 tỷ đồng
Thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh khởi tố, bắt tạm giam Trần Văn Tài- Trưởng phòng giao dịch Mạo Khê, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank), về tội "Tham ô tài sản" và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, Trần Văn Tài đã lợi dụng chức vụ được giao thực hiện hàng loạt sai phạm. Bước đầu xác định: Tài đã sử dụng 21 giấy CNQSDĐ đất giả, 4 sổ tiết kiệm giả để lập khống các hồ sơ vay vốn, tự phê duyệt giải ngân theo thẩm quyền để chiếm đoạt số tiền ước tính khoảng 80 tỷ đồng của Ngân hàng ABBank.
Bản thân Tài nhận thức rất rõ hành vi của mình gây ra sẽ để hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng đối tượng thực hiện hành vi một cách táo báo và được tính toán kỹ lưỡng để che dấu hành vi.
Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp tục phát hiện, Phạm Ngọc Hưng - Phó phòng Khách hàng Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi nhánh Mạo Khê - Tây Quảng Ninh từ năm 2020 đã nhiều lần cho Trần Văn Tài vay tiền với lãi suất lên đến 123,42%/năm, gấp 6,17 lần so với lãi suất quy định, để thu lợi bất chính 1 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Ngọc Hưng về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" quy định tại khoản 2, Điều 201 Bộ luật Hình sự.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
PV