Bản tin kinh tế ngày 21/11/2024
FPT chốt ngày chi 1.460 tỷ tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024; Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị truy tố trong vụ án thứ 5;...là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.
FPT chốt ngày chi 1.460 tỷ tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024
Công ty Cổ phần Tập đoàn FPT (MCK: FPT, sàn HoSE) vừa công bố thông tin Quyết định của Chủ tịch HĐQT số 156/QĐ-FPTHĐQT về việc thông qua thời điểm chốt danh sách cổ đông và thời điểm tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 bằng tiền mặt.
Theo đó, ngày 3/12/2024 sẽ là ngày FPT chốt danh sách cổ đông, sẽ thực hiện chi trả cổ tức vào ngày 13/12/2024.
Trước đó, HĐQT Tập đoàn FPT đã thông qua phương án tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 với tỷ lệ thực hiện 10%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1.000 đồng cổ tức.
Với hơn 1,46 tỷ cổ phiếu FPT đang lưu hành trên thị trường, ước tính FPT sẽ phải chi khoảng hơn 1.460 tỷ đồng trong đợt chi trả cổ tức cho cổ đông lần này.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 FPT ghi nhận doanh thu thuần hơn 15.902,8 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2023, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt hơn 2.908,6 tỷ đồng, tăng 19,7%. Sau khấu trừ các khoản thuế phí, FPT báo lãi ròng gần 2.478,6 tỷ đồng, tăng 19,4%.
Tăng trưởng trong quý III/2024 của FPT chủ yếu do tăng trưởng của mảng Dịch vụ Công nghệ thông tin thị trường nước ngoài. Theo đó, mảng này mang về doanh thu 8.095 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 26,1%, chiếm tỷ trọng 51% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, FPT mang về doanh thu thuần gần 45.241 tỷ đồng, tăng 19,3% so với 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế đạt gần 8.111,2 tỷ đồng, tăng 19,8%, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt gần 6.926,6 tỷ đồng, tăng 20,6%.
Chỉ tính riêng mảng Dịch vụ Công nghệ thông tin thị trường nước ngoài đã mang về doanh thu 22.688 tỷ đồng, tăng 28,6% so với 9 tháng đầu năm ngoái. lợi nhuận trước thuế đạt 3.614 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của FPT đang ở mức gần 67.581,6 tỷ đồng, tăng 12,1% so với đầu năm, tổng nợ phải trả hơn 32.217,4 tỷ đồng, tăng 6,2%, vốn chủ sở hữu đang ở mức 35.364,2 tỷ đồng, tăng 18,1%.
Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường chỉ mới nhận thừa kế hơn 11 triệu cổ phiếu DIG
Ông Nguyễn Hùng Cường- Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, MCK: DIG, sàn HoSE) vừa có báo cáo về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ.
Theo đó, số lượng cổ phiếu mà ông Nguyễn Hùng Cường được thừa kế là hơn 20,75 triệu cổ phiếu, giao dịch dự kiến diễn ra từ 21/10/2024 đến ngày 19/11/2024. Tuy nhiên, kết thúc ngày giao dịch ông Cường mới chỉ nhận thừa kế hơn 11 triệu cổ phiếu DIG.
Ông Cường cho biết lý do không hoàn tất giao dịch hết số lượng cổ phiếu đã đăng ký là do đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng tại cơ quan có liên quan theo quy định.
Sau giao dịch này, số lượng cổ phiếu của ông Cường được nâng lên từ gần 61,96 triệu cổ phiếu (tương đương 10,16% vốn) lên hơn 71,96 triệu cổ phiếu DIG (tương đương 11.96% vốn).
Ông Nguyễn Hùng Cường dự kiến sẽ nhận thừa kế 9,75 triệu cổ phiếu DIG còn lại trong khoảng thời gian từ ngày 22/11/2024 đến ngày 21/12/2024. Nếu giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu DIG mà ông đang nắm giữ sẽ nâng lên hơn 82,71 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu 13,56% vốn điều lệ tại DIC Corp.
Về tình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 DIC Corp mang về doanh thu thuần gần 47,3 tỷ đồng, giảm 80,11% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu kinh doanh bất động sản ghi nhận gần 92,8 tỷ đồng, giảm 38,35%, doanh thu sản phẩm xây lắp chỉ hơn 1,6 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ gần 1,1 tỷ đồng, giảm 74,43%.
Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của DIC Corp báo lỗ hơn 5,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi hơn 21,7 tỷ đồng. Khấu trừ các khoản thuế phí, mặc dù công ty mẹ báo lãi gần 45,8 tỷ đồng, tăng 47,65%, nhưng lãi ròng hợp nhất của DIC Corp chỉ ở mức hơn 11,2 tỷ đồng, giảm 7,23% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, DIC Corp báo lãi ròng gần 15,2 tỷ đồng, giảm 84,47% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, kế hoạch kinh doanh 2024 công ty dự kiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 760 tỷ đồng. Như vậy, DIC Corp mới hoàn thành 2% kế hoạch lợi nhuận sau thuế đã đề ra.
Tính đến quý III/2024, tổng tài sản của DIC Corp ở mức hơn 18.153,9 tỷ đồng, tăng 7,88% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn gần 16.514,3 tỷ đồng, bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền gần 1.478,6 tỷ đồng, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 972,4 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn gần 5.985,8 tỷ đồng, hàng tồn kho gần 7.865 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn của DIC Corp gần 1.639,7 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu dài hạn gần 80,1 tỷ đồng, tài sản cố định hơn 818 tỷ đồng, bất động sản đầu tư gần 111 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn hơn 44,5 tỷ đồng, các khoản đầu tư tài chính dài hạn hơn 414,9 tỷ đồng, tài sản dài hạn khác gần 171,2 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của DIC Corp hơn 10.204,7 tỷ đồng, tăng 14,22% so với đầu năm, vốn chủ sở hữu của DIC Corp gần 7.949,2 tỷ đồng, tăng 0,7%.
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị truy tố trong vụ án thứ 5
VKSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 13 bị can trong vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan.
Trong vụ án này, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 12 bị can khác bị truy tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn hiện đang bỏ trốn, Cơ quan SĐT Bộ Công an đã ra các quyết định truy nã toàn quốc; truy nã quốc tế; truy nã đặc biệt ngày 29/6/2023, song đến nay chưa có kết quả.
Theo cáo trạng truy tố, VNCERT trực thuộc Bộ TT&TT do bị can Nguyễn Trọng Đường làm Giám đốc.
VNCERT được Bộ TT&TT giao cho lập và trình Bộ phê duyệt Dự án Mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối Internet quốc tế. Tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng.
Quá trình triển khai thực hiện dự án, gói thầu số 8 đầu tư mua sắm hệ thống thiết bị, phần mềm có giá trị hơn 70,6 tỷ đồng. Phía AIC được xác định trúng thầu, tổng giá trị hơn 70,5 tỷ đồng; gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 17 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn có vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.
Cụ thể, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới là Nguyễn Văn Thế (Trưởng ban Kỹ thuật 7); Đỗ Văn Sơn (Trưởng ban 2) và nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư để tạo điều kiện cho AIC trúng thầu; gian lận trong việc lập hồ sơ dự thầu.
Bị can Nguyễn Trọng Đường có vai trò là người đại diện chủ đầu tư nhưng đã chỉ đạo cấp dưới trực tiếp là Ngô Quang Huy, Trần Nguyên Chung, Nguyễn Thị Ánh Hồng thực hiện hành vi thông thầu, tạo điều kiện cho AIC tham gia vào tất cả giai đoạn để thống nhất trước danh mục, giá thiết bị phần mềm.
Đây là vụ án thứ 5 bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xử lý liên quan tới các vi phạm về đấu thầu. Trước vụ án này, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng bị kết án hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử ở nhiều vụ án khác và đều liên quan đến các sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Vingroup thành lập công ty nghiên cứu và phát triển robot vốn 1.000 tỷ đồng
Mới đây, Tập đoàn Vingroup - CTCP (MCK: VIC, sàn HoSE) vừa có văn bản số 491/2024/Cv-TGĐ-VINGROUP gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin về Nghị quyết của HĐQT ngày 18/11/2024.
Theo đó, HĐQT Tập đoàn Vingroup đã thông qua việc tham gia góp vốn thành lập công ty con nghiên cứu và phát triển người máy. Tên công ty con dự kiến thành lập là Công ty Cổ phần Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng Người máy Vinrobotics, địa chỉ trụ sở chính được đặt tại Tòa nhà văn phòng Symphony, đường Chu Huy Mân, Khu đô thị Vinhomes Riverside, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.
Công ty Vinrobotics có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ góp vốn của Tập đoàn Vingroup là 51% vốn điều lệ.
Theo thông tin trên website của Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup cũng tham gia góp 39% vốn điều lệ của Công ty Vinrobotics, hai con trai ông Vượng là Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng mỗi người góp 5% vốn. Vị trí Tổng Giám đốc Công ty VinRobotics do ông Ngô Quốc Hưng đảm nhiệm.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup cũng đã thông qua Nghị quyết số 21/2024/NQ-HĐQT-VINGROUP phê duyệt về việc tách Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh Vinfast (Vinfast, trụ sở tại Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, đảo Cát Hải, huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng) và thành lập một công ty con mới dự kiến có tên Công ty CP Đầu tư và phát triển Vinfast (Đầu tư Vinfast). Mục đích nhằm tổ chức lại cơ cấu sở hữu trong nhóm công ty Vinfast để tăng cường hiệu quả hoạt động.
Vốn điều lệ dự kiến của Đầu tư Vinfast là hơn 2.464 tỷ đồng. Doanh nghiệp này sẽ là đơn vị nắm các khoản đầu tư ra nước ngoài phục vụ hoạt động của nhóm các công ty thuộc Vinfast ở nước ngoài.
Tỷ lệ góp vốn của Tập đoàn Vingroup tại Đầu tư Vinfast là 51,11% vốn điều lệ; tỷ lệ sở hữu của Vingroup tại Vinfast sau chia tách là 61,06%.
Ngoài ra, HĐQT Vigroup cũng thông qua Nghị quyết số 22/2024/NQ-HĐQT-VINGROUP về việc cho vay đối với Vinfast.
Cụ thể, trong vòng 24 tháng kể từ ngày ban hành Nghị quyết, Vingroup sẽ cho các công ty trong nhóm Vinfast tại Việt Nam vay tối đa 35.000 tỷ đồng để phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, Vingroup sẽ chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu với tổng giá trị tối đa 80.000 tỷ đồng thành khoản góp vốn vào Vinfast bằng việc Vingroup mua thêm cổ phần ưu đãi cổ tức theo phương án được ĐHĐCĐ Vinfast thông qua.
Những kế hoạch này của Vingroup nhằm hỗ trợ Vinfast có đủ nguồn lực và thêm dự phòng để tài trợ hoạt động kinh doanh, các khoản đầu tư thiết yếu và hoàn thành các nghĩa vụ khác của công ty.
PV