Bản tin kinh tế ngày 8/10/2024

Chi trả hơn 8.500 tỷ đồng cho các bị hại vụ Tân Hoàng Minh; PNJ bị xử phạt hành chính 1,34 tỷ đồng;... là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.

Chi trả hơn 8.500 tỷ đồng cho các bị hại vụ Tân Hoàng Minh

Bản tin kinh tế ngày 8/10/2024- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thắng Lợi- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp). Ảnh: VietNamNet

Ngày 7/10, tại cuộc họp báo quý III/2024 của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Thắng Lợi- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã thông tin về việc thi hành án các đại án Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát.

Về vụ Tân Hoàng Minh, đến nay tổng số tiền đã chi trả đạt 8.547 tỷ đồng trên 8.644 tỷ đồng phải thi hành. Tổng số bị hại đã được chi trả là 6.630 người, có 6.407 hồ sơ đã được thi hành án.

Về vụ án liên quan Tập đoàn FLC, ngày 5/8/2024, TAND TP.Hà Nội ban hành bản án hình sự sơ thẩm, hiện cơ quan thi hành án đang tiếp tục theo sát tiến trình tố tụng. Khi bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án dân sự sẽ tổ chức thi hành án, cố gắng đạt được kết quả cao nhất.

Theo ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết, vụ Vạn Thịnh Phát là vụ việc cực kỳ phức tạp với giá trị thi hành án dân sự lớn, số lượng bị hại rất nhiều.

Từ kinh nghiệm thi hành án vụ Tân Hoàng Minh và các vụ án về tham nhũng kinh tế khác, cơ quan thi hành án rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, từ đó tổ chức thi hành án ngày càng tốt hơn.

Tổng cục Thi hành án dân sự có chỉ đạo sát sao và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Chủ động trong việc tiếp nhận vật chứng, rà soát nội dung cáo trạng, bản án để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh nếu có. Việc chủ động phối hợp trong khuôn khổ pháp luật.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo các cơ quan thi hành án địa phương rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thụ lý, chuẩn bị nguồn nhân lực, trang thiết bị... tổ chức thi hành án ngay khi bản án có hiệu lực trong cả 2 giai đoạn của vụ Vạn Thịnh Phát.

Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Văn phòng Chính phủ vừa qua đã ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hoàn thành trong tháng 10/2024 việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội.

Nguồn lực của gói tín dụng này lấy từ ngân sách địa phương và khoảng 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu Chính phủ. Có thể thấy, vốn của gói 30.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, khác với nguồn lực gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ.

Trước đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội triển khai từ tháng 4/2023 với lãi suất chưa thực sự ưu đãi, áp dụng thời ngắn sau đó thả nổi nên chưa thực sự thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, sau hơn một năm triển khai, giải ngân gói 120.000 tỷ đồng vẫn rất thấp, mới đạt khoảng 1.344 tỷ đồng tức gần 1%. Trong số này, 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án vay, còn lại là người mua nhà.

Ngoài 4 ngân hàng TMCP Nhà nước, đến nay đã có thêm các ngân hàng TMCP gồm TP Bank, VPBank, MBBank và Techcombank tham gia với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.

Các ngân hàng đã triển khai cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân (của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường).

Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh hạ lãi suất. Doanh nghiệp được ưu đãi 8%/năm và với người mua nhà 7,5%/năm. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, lãi suất và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không đủ điều kiện về tín dụng để được vay như không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng, không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng, đã vay tại các tổ chức tín dụng khác...

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo tờ trình Nghị quyết điều chỉnh nội dung chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3-5%, còn khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%. Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với đề xuất trên.

Việc chậm giải ngân gói tín dụng ưu đãi này được đánh giá sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đề án xây một triệu căn nhà xã hội. Tính đến cuối tháng 8, cả nước có 79 dự án xây xong với gần 40.700 căn. Nếu tính cả dự án đã khởi công và hoàn thành, cả nước đạt gần 36% mục tiêu Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2025.

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2025, các địa phương đăng ký hoàn thành 135 dự án nhà ở xã hội với gần 101.900 căn hộ.

Vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, PNJ bị phạt 1,34 tỷ đồng

Bản tin kinh tế ngày 8/10/2024- Ảnh 2.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa có công bố về việc nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, theo Quyết định số 648/QĐ-XPHC ngày 02/10/2024 của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng.

Vi phạm này liên quan đến đợt thanh tra liên ngành của Chính phủ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên toàn quốc từ ngày 23/5/2024 đến ngày 10/9/2024.

Theo đó, PNJ bị phạt tổng số tiền là 1,34 tỷ đồng với lý do ban hành quy định nội bộ, các thực hành phân loại khách hàng theo rủi ro, báo cáo giao dịch giá trị lớn và kiểm toán nội bộ chưa đủ chặt chẽ và đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền, và có một số sai sót, chưa đầy đủ dữ liệu trong quá trình báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý.

PNJ đã cam kết tuân thủ nghiêm chỉnh quyết định xử phạt và chủ động khắc phục những thiếu sót nhằm hạn chế rủi ro trong tương lai.

Được biết, đợt thanh tra liên ngành của Chính phủ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên toàn quốc lần này có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

Đối tượng thanh tra bao gồm hai ngân hàng là TPBank và Eximbank, cùng với bốn doanh nghiệp lớn trong ngành vàng bạc đá quý là SJC, DOJI, PNJ và Bảo Tín Minh Châu.

Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo quy định của Luật thanh tra và các qui định có liên quan, tập trung vào các nội dung bao gồm thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng, các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ, về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

CEO Group mới sử dụng 60% số vốn thu được từ đợt phát hành 257,3 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, mã: CEO) vừa công bố báo cáo tiến độ sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán 257,3 triệu cổ phiếu hồi tháng 9/2023.

Cụ thể, ngày 29/6/2023, CEO Group được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán 257.339.985 cổ phiếu ra công chúng. Trong đó, 5.146.800 cổ phiếu phát hành cho CBCNV theo chương trình ESOP và phát hành cho cổ đông hiện hữu là 252.193.185 cổ phiếu, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc đợt chào bán ngày 26/9/2023, CEO Group đã thu về tổng số tiền 2.573,3 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ lên 5.146 tỷ đồng.

Theo kế hoạch sử dụng số vốn huy động được, CEO Group sẽ dùng 800 tỷ đồng để đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences, 1.556 tỷ đồng để tăng vốn cho 5 công ty con và 217,3 tỷ đồng còn lại để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, tính đến ngày 26/9/2024, tức một năm sau khi kết thúc đợt chào bán, CEO Group mới sử dụng 1.551,1 tỷ đồng (tương đương 60%) tổng số vốn huy động được.

Cụ thể, CEO Group mới "rót" 267,7 tỷ đồng cho dự án Sonasea Residences; 1.000 tỷ đồng tăng vốn cho CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vân Đồn; 200 tỷ đồng tăng vốn cho Công ty TNHH C.E.O Quốc tế; 51 tỷ đồng tăng vốn cho CTCP Xây dựng C.E.O và 32,4 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.

Đồng thời, CEO chưa chi 200 tỷ đồng để tăng vốn cho CTCP Đầu tư và Phát triển Nha Trang và 105 tỷ đồng để tăng vốn cho CTCP Đầu tư và Phát triển Phú Quốc như kế hoạch.

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT