Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

BIDV phát hành lô trái phiếu thứ 10 trong năm nay

Phạm Thị Tâm

Với 200 tỷ đồng trái phiếu vừa huy động được, BIDV đã huy động tổng cộng 3.314 tỷ đồng qua kênh trái phiếu từ đầu năm đến nay.

bidv-phat-hanh-lo-trai-phieu-thu-10-trong-nam-nay-antt-1695632230.PNG
Ảnh minh họa

Ngày 25/9, Sở giao dịch chứng khoán TP.Hà Nội (HNX) công bố thông tin liên quan đến kết quả chào bán trái phiếu trong nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV, MCK: BID).

Theo đó, BIDV đã phát hành thành công lô trái phiếu mã BIDLH2331010 với tổng giá trị phát hành là 200 tỷ đồng.

Lô trái phiếu này có kỳ hạn 8 năm, ngày phát hành là 13/9/2023, ngày hoàn tất là 14/9/2023.

Được biết, đây là lô trái phiếu thứ 10 được ngân hàng này phát hành từ đầu năm đến nay. Tổng giá trị trái phiếu mà ngân hàng này đã phát hành trong khoảng thời gian trên 3.314 tỷ đồng. Các đợt trái phiếu đều có mệnh giá 1 tỷ đồng với lãi suất từ 6,7% đến 7,7%.

Trước đó, tháng 6/2023, BIDV có thông báo về việc phát hành 8.100 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo để tăng vốn cấp hai trong thời gian từ tháng 6 đến hết tháng 9/2023.

Tới ngày 5/9/2023, HĐQT BIDV có nghị quyết số 849/NQ-BIDV về việc phê duyệt phương án phát hành trái phiếu theo hình thức phát hành riêng lẻ năm 2023.

Theo Nghị quyết này, BIDV dự định phát hành tối đa 2.500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải là nợ thứ cấp của BIDV.

Mục đích phát hành để cho vay khách hàng trong nền kinh tế. Kỳ hạn trái phiếu từ 1-5 năm.

Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, nhờ chi phí trích lập dự phòng rủi ro giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước, kết quả, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản BIDV ở mức gần 2,13 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với hồi cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7% lên hơn 1,629 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4,9%, đạt xấp xỉ 1,55 triệu tỷ đồng với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở mức 17% (hồi cuối năm 2022 là 18,9%).

Về chất lượng tài sản, nợ xấu của ngân hàng tăng hơn 47% trong 6 tháng đầu năm lên 25.970 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 145% lên gần 7.730 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 96% lên 5.278 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 10% lên 12.963 tỷ đồng.

Bạch Hiền