Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bộ Công Thương đề xuất nhiều bộ ngành phối hợp điều hành giá điện

Vũ Ngọc Quỳnh

Trong dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Ngoài Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề xuất các bộ ngành liên quan phối hợp cùng điều hành giá điện.

bo-cong-thuong-de-xuat-nhieu-bo-nganh-phoi-hop-dieu-hanh-gia-dien-antt-1710040811.jpg
Bộ Công Thương đề xuất nhiều bộ ngành phối hợp điều hành giá điện. Ảnh minh hoạ.

Trong báo cáo gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ cấu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương cho biết đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng dự thảo và bổ sung, sửa đổi những vấn đề phát sinh vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến việc điều hành giá điện theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và quy chế làm việc của Chính phủ.

Theo đó, điểm mới của Dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ cấu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, so với các bản thảo trước đây được Bộ Công Thương lấy ý kiến là ngoài Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề xuất các bộ ngành liên quan phối hợp điều hành, cơ quan thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện.

Cùng đó, để minh bạch hơn quá trình xem xét điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương muốn bổ sung trách nhiệm của Tổng cục Thống kê trong đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô. EVN sẽ cung cấp các số liệu có liên quan để cơ quan này có cơ sở thống kê, đánh giá.

Về phía Bộ Công Thương vẫn sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về điện lực, sử dụng điện, trong đó có giá điện. Tức, Bộ này là cơ quan hướng dẫn EVN tính toán giá bán điện bình quân, thực hiện việc điều chỉnh giá điện, chủ trì kiểm tra, giám sát.

Liên quan đến lợi nhuận định mức trong giá điện, Bộ Công Thương cho biết, sẽ không thực hiện việc quy định cụ thể về việc xác định lợi nhuận định mức. Cơ quan này cũng cho biết, đã rà soát các quy định và các góp ý của Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính.

Liên quan đến việc chủ trì, phối hợp trong điều hành giá điện, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì kiểm tra, rà soát. Bộ Tài chính giữ trách nhiệm phối hợp ở khía cạnh là cơ quan quản lý nhà nước về giá.

Cụ thể, Bộ Công Thương vẫn sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về điện lực, sử dụng điện, trong đó có giá điện. Bộ Công Thương sẽ là cơ quan hướng dẫn EVN tính toán giá bán điện bình quân, thực hiện việc điều chỉnh giá điện, chủ trì kiểm tra, giám sát.

Ngoài ra, tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất giá điện được tính thêm các chi phí vốn chưa được tính trước đây như chênh lệch tỷ giá. Thời gian điều chỉnh giá điện dự kiến được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần. Đồng nghĩa, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi và giá được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện.

Bộ Công Thương nêu rõ trường hợp tăng giá điện, Chính phủ, Thủ tướng sẽ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong giai đoạn tạm thời, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Đề xuất giá bán lẻ điện bình quân sẽ có tăng giá, giảm giá với biên độ cụ thể cũng được giữ như dự thảo trước đó. Theo đó, trường hợp các thông số đầu vào các khâu như phát điện, truyền tải, phân phối... làm giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. EVN sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Ở chiều ngược lại, khi giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá. Trường hợp giá điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với mức hiện hành, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, kiểm tra rà soát, lấy ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan

Hà Anh (t/h)