Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngân sách nhà nước chi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức khóa đào tạo về quản trị doanh nghiệp; khởi sự kinh doanh; đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp này trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; đào tạo trực tuyến qua công cụ dạy học trực tuyến có sẵn.

ngan-sach-nha-nuoc-chi-ho-tro-nguon-nhan-luc-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-antt-1693366717.jpg

Ngân sách nhà nước chi hỗ trợ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh minh họa

Nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2023/TT-BTC hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2023.

Theo đó, nội dung chi hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo về quản trị doanh nghiệp; khởi sự kinh doanh; đào tạo trực tiếp tại DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; đào tạo trực tuyến qua công cụ dạy học trực tuyến có sẵn được quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 52/2023/TT-BTC như sau:

Đối với khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp (cơ bản, hoặc chuyên sâu) tổ chức theo hình thức đào tạo trực tiếp: Chi khảo sát (cước phí gửi phiếu khảo sát); chi phí chiêu sinh (cước gửi thư mời, cước điện thoại, đăng thông tin quảng cáo về khóa đào tạo trên các phương tiện thông tin, truyền thông hoặc thuê bên cung cấp để thực hiện chiêu sinh trọn gói).

Chi cho giảng viên, báo cáo viên: thù lao giảng dạy (đã bao gồm thù lao soạn giáo án bài giảng); ăn, ở, đi lại (áp dụng với giảng viên, báo cáo viên giảng dạy trực tiếp).

Chi thuê hội trường, phòng học, máy tính, máy chiếu, các thiết bị phục vụ học tập;…

Chi tổ chức cho học viên thực hành (nếu cần) theo các hình thức: thí nghiệm, trình diễn mô hình, diễn tập thực tế (chi phí thuê, mua, vận chuyển tới địa điểm tổ chức lớp học các thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu, công cụ, dụng cụ phục vụ cho thí nghiệm và tổ chức trình diễn mô hình, diễn tập thực tế); đi khảo sát thực tế tại doanh nghiệp trong nước (chi phí thuê phương tiện đưa, đón học viên từ lớp học đến địa điểm khảo sát và thù lao báo cáo viên trình bày tại buổi thực tế).

Chi tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên (ra đề thi, coi thi, chấm thi); cấp chứng nhận đã tham gia khóa đào tạo cho học viên có nhu cầu.

Đào tạo qua hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning: Nội dung chi đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp qua hệ thống đào tạo trực tuyến E–Learning thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.

Mức chi xây dựng, thuê, mua hệ thống đào tạo trực tuyến; bảo trì, nâng cấp phần mềm, bổ sung, cập nhật các tính năng mới, duy trì và vận hành hệ thống đào tạo trực tuyến; thuê, mua máy chủ, đường truyền; số hóa và nhập dữ liệu, tạo lập thông tin điện tử: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Mức chi xây dựng bài giảng trực tuyến, học liệu điện tử: Thực hiện theo quy định tại  Thông tư số 76/2018/TT-BTC hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hiện hành liên quan.

Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động của DNNVV

Theo Thông tư, lao động của DNNVV đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP khi tham gia khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo từ 03 tháng trở xuống được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, mỗi người một lần, mức chi theo thông báo của cơ sở đào tạo nghề nghiệp nhưng tối đa không quá mức quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp đã tới hạn. TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, các DNNVV rất cần nguồn lực để phục hồi, thay đổi phương thức bán hàng, công nghệ quản lý hay đầu tư cho cơ sợ hạ tầng…

Do vậy, việc ban hành Thông tư 52 được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thống nhất và toàn diện hơn về các vấn đề trong hỗ trợ DNNVV từ nguồn kinh phí NSNN. Bởi Thông tư 52 có hiệu lực sẽ thay thế Thông tư 49/2019/TT-BTC và Thông tư 54/2019/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí NSNN hỗ trợ DNNVV phát triển nguồn nhân lực, sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên… được Bộ Tài chính ban hành từ năm 2019.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kỳ vọng các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí phải đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng kinh phí; cũng như phải đảm bảo tính trung thực, chính xác, minh bạch, đầy đủ pháp lý của hồ sơ, chứng từ liên quan… Đặc biệt, việc hỗ trợ phải đúng đối tượng, đúng mục tiêu, phải có những hoạt động tuyên truyền, công khai thông tin để các DNNVV được biết đến và được tư vấn đề nhận sự hỗ trợ.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT