Chân dung tân Tổng giám đốc Vietcombank

Sau khi được bầu bổ sung vào HĐQT tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 07/03, ông Lê Quang Vinh tiếp tục được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc Vietcombank với thời hạn 5 năm.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) vừa bổ nhiệm ông Lê Quang Vinh vào vị trí Tổng Giám đốc sau cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 07/03/2025.

Theo nghị quyết họp, ĐHĐCĐ bất thường đã thông qua việc bầu bổ sung ông Lê Quang Vinh vào thành viên HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ 2023-2028.

Đồng thời, thông qua miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Mỹ Hào do đã nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01/11/2024.

Ngay sau đó, ông Lê Quang Vinh cũng được bầu vào vị trí Tổng Giám đốc Vietcombank với thời hạn 5 năm, kể từ ngày 07/03/2025.

Ông Vinh sinh năm 1976, tốt nghiệp thạc sĩ tài chính Đại học New South Wales (Australia). Ông Vinh làm việc tại Vietcombank từ năm 1999, trải qua nhiều vị trí như Phó Phòng Đầu tư dự án, Phó phòng Chính sách và sản phẩm ngân hàng bán lẻ, Phó giám đốc và Giám đốc Công ty cho thuê tài chính Vietcombank... Cuối năm 2017, ông Vinh được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc Vietcombank. Tới tháng 7/2024, ông phụ trách vị trí Ban điều hành Vietcombank.

Chân dung tân Tổng giám đốc Vietcombank- Ảnh 1.

Tân Tổng Giám đốc Vietcombank - ông Lê Quang Vinh

Sau ĐHĐCĐ bất thường, Vietcombank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 vào ngày 26/4 tại Trường đào tạo Vietcombank, khu đô thị Ecopark, tỉnh Hưng Yên.

Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp ĐHĐCĐ thường niên ngân hàng là ngày 26/3.

Vietcombank dự kiến trình đại hội thông qua báo cáo kết quả của HĐQT, Ban kiểm soát (BKS) năm 2024 và định hướng năm 2025; thông qua BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán, phương án phân phối lợi nhuận năm 2024.

Ngoài ra, thông qua tờ trình về mức thu lao HĐQT, BKS năm 2025; tờ trình về việc miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028; tờ trình về phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm của Vietcombank và một số nội dung khác thuộc thẩm quyền đại hội.

Trong diễn biến khác, Vietcombank vừa thông báo ngày 13/3 là hạn chót để cổ đông đăng ký nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Đợt chia cổ tức lần này được thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế đến hết năm 2018 và năm 2021, với tổng số lượng phát hành lên tới hơn 2,76 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 49,5%. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng, vượt xa đợt chia cổ tức kỷ lục 35% vào năm 2016.

Ngoài đợt chia cổ tức sắp tới, Vietcombank cũng đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 với lợi nhuận còn lại sau trích lập quỹ đạt hơn 22.770 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này dự kiến sẽ được dùng để tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu thưởng.

Tương tự, phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 cũng đã được phê duyệt từ đầu năm nay, với kế hoạch sử dụng 21.680 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hiện Vietcombank đang xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ và trình Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến trước khi báo cáo lên Chính phủ và Quốc hội phê duyệt.

Hoàng Lam

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT