Chiêu thức Trương Mỹ Lan 'vẽ' ra hàng nghìn công ty 'ma' để huy động vốn
Hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước với vốn điều lệ rất lớn. Bên cạnh đó, Trương Mỹ Lan và thuộc cấp còn "vẽ" ra hàng nghìn công ty "ma" để phục vụ việc huy động vốn từ SCB.
Theo bản kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được xây dựng và hoạt động theo mô hình: Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có trụ sở tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM, kinh doanh chính là bất động sản, nhà hàng, khách sạn.
Hệ sinh thái của tập đoàn này có hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Nhóm công ty này được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Thứ nhất, nhóm định chế tài chính tại Việt Nam trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú (Công ty Việt Vĩnh Phú). Trong đó, SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công vụ tài chính để cấp vốn cho các thành viên trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Nhóm thứ 2 gồm các công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn... đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên. Ví dụ như Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (Công ty An Đông) vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng...
Nhóm thứ 3 là các công ty "ma" tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công …
Nhóm cuối cùng là mạng lưới công ty tại nước ngoài. Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế" phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa "Nhà đầu tư nước ngoài" đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà Lan tại nước ngoài.
Các công ty bất động sản liên quan vụ án
Đầu tiên, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được thành lập và hoạt động theo lần đầu ngày 19/6/1992, thay đổi lần thứ 52 ngày 1/8/2020. Vốn điều lệ doanh nghiệp là 13.000 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc là Trương Huệ Vân (cháu Trương Mỹ Lan).
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm 4 cổ đông chính là Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT (60% vốn); 2 con gái bà Lan là bà Elizabeth Chu Yuet Han (Chu Duyệt Hằng) và bà Mary Chu Yuet Fan (Chu Duyệt Phấn) cùng sở hữu mỗi người 10% vốn. Cổ đông còn lại là CTCP Emerald, đại diện là Trương Huệ Vân, sở hữu 20% vốn.
Trương Mỹ Lan là Chủ tịch HĐQT công ty, Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Lan) là Phó chủ tịch HĐQT. 4 thành viên HĐQT khác là 2 con gái bà Lan - Chu Duyệt Hằng, Chu Duyệt Phấn; 2 cháu bà Lan là Trương Lập Hưng, Trương Huệ Vân.
Các dự án do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư gồm dự án Khu dân cư Bonville thuộc lô số 6 - khu chức năng 9A+B đô thị mới Nam thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM với diện tích hơn 56.293 m2 và nhiều dự án, hợp đồng khác.
Thứ hai là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu Tư Vạn Thịnh Phát được thành lập và hoạt động lần đầu ngày 28/6/2007, thay đổi lần thứ 13 ngày 11/6/2015. Vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc là Ngô Thanh Nhã (em dâu Trương Mỹ Lan).
Cơ cấu cổ đông của Tập đoàn Đầu Tư Vạn Thịnh Phát gồm Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (chiếm 49% vốn); 2 người con bà Lan là Chu Duyệt Hằng và Chu Duyệt Phấn đều sở hữu 15,5% vốn và Công ty cổ phần Emerald, đại diện là Trương Huệ Vân, sở hữu 20% còn lại.
HĐQT của Đầu tư Vạn Thịnh Phát gồm 3 thành viên gồm Trương Chí Trung (em bà Lan) làm Chủ tịch HĐQT; ông Trương Lập Hưng và Trương Huệ Vân (đều là cháu bà Lan) làm thành viên HĐQT.
Các dự án đầu tư do Đầu tư Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư như dự án Khu dân cư Sterling Residence thuộc khu II - khu 6A thuộc khu chức năng số 6A - Đô thị mới Nam Thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với quy mô 264.633 m2 và nhiều dự án, hợp đồng khác.
Thứ ba là Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (Sài Gòn Peninsula) được thành lập và hoạt động lần đầu ngày 8/7/2003, thay đổi lần thứ 23 ngày 1/10/2020.
Sài Gòn Peninsula có vốn điều lệ là 18.000 tỷ đồng, gồm 10 cổ đông cá nhân và 21 cổ đông pháp nhân. Người đại diện pháp luật là Nguyễn Ngọc Dương - Tổng giám đốc (đã chết). HĐQT gồm Trương Vincent Kinh giữ chức Chủ tịch HĐQT và 2 thành viên là Kwok Hakman Oliver và Nguyễn Phương Anh.
Dự án mà Sài Gòn Peninsula sở hữu duy nhất là khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM có quy mô gần 117,8 ha. Dự án đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư, chưa được phê duyệt dự án, chưa được giao đất.
Ngoài 3 công ty trên cùng hoạt động trong ngành bất động sản, một doanh nghiệp khác cũng liên quan tới vụ án là Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú (Việt Vĩnh Phú). Ông Tạ Chiều Trung giữ chức Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Công ty có vốn điều lệ 2.868 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn quản lý.
Việt Vĩnh Phú có 4 cổ đông gồm Trương Huệ Vân (50,5% vốn); Công ty Prosperity Asia Capital Limited (19,5%); còn lại 30% được chia đều cho Công ty Lionyear International Limited và Công ty Magie Luck Group Limited. Cả 3 công ty trên đều có quốc tịch British Virgin Islands.
Ngoài ra, một số công ty có hoạt động kinh doanh, tạo doanh thu cho nhóm Vạn Thịnh Phát gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Times Square Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc, Công ty TNHH Vinametric, Công ty cổ phần Bông Sen, Công ty TNHH Quản Lý Sài Gòn Artisans, Công ty TNHH Sài Gòn Atelier, Công ty TNHH Coco & May, Công ty cổ phần Dấu Ấn V, Công ty cổ phần Dấu Ấn Việt Nam, Công ty cổ phần Eurasia Concept, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Quốc tế Promana, Công ty TNHH The Recipe, Công ty cổ phần The Signature; Công ty LaviFood...
Thủ đoạn thuê người đại diện pháp luật tại các công ty “ma”
Ngoài hệ sinh thái đồ sộ nêu trên, kết luận điều tra còn chỉ ra rằng Trương Mỹ Lan còn thành lập các công ty không có hoạt động sản xuất kinh doanh (công ty “ma”) để phục vụ mục đích huy động vốn từ SCB.
Việc thành lập các công ty "ma" được Trương Mỹ Lan giao cho Hà Thục Kim, sau này là Đặng Phương Hoài Tâm (Trưởng Văn phòng HĐQT của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phụ trách và phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh (Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula - công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát) thực hiện.
Công việc gồm đặt tên công ty, tìm thuê người đứng tên thành lập công ty dưới các vai trò là người đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên công ty TNHH, tìm địa chỉ đặt trụ sở công ty, chọn ngành nghề kinh doanh... cho phù hợp với yêu cầu của Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Nguyễn Ngọc Dương chỉ đạo cấp dưới tìm người nhận đứng tên theo yêu cầu và cung cấp thông tin của họ cho Phan Chí Luân quản lý, cập nhật danh sách.
Với phương thức này, kết quả điều tra xác định, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cấp dưới thành lập/nhận chuyển nhượng/sử dụng hàng nghìn pháp nhân để đứng tên khoản vay; chuyển/nhận tiền từ nước ngoài; phát hành trái phiếu; đứng tên dự án.
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan chỉ đạo cơ cấu lại sở hữu cổ phần giữa các công ty, chuyển nhượng cổ phần, tài sản cho các cá nhân theo mục đích riêng của bản thân và đồng phạm (chuyển nhượng nhiều lần để nâng giá trị tài sản, hoặc chuyển nhượng để lập phương án rút tiền ra khỏi Ngân hàng SCB...).
Chưa hết, Trương Mỹ Lan cũng chỉ đạo cấp dưới thuê nhờ hàng nghìn cá nhân để đứng tên khoản vay tại Ngân hàng SCB, đứng tên đại diện pháp luật công ty "ma"; đứng tên tài sản đảm bảo; đứng tên cổ phần; mở tài khoản nhận tiền, rút tiền mặt, phục vụ cho các mục đích cá nhân.
Cơ quan điều tra xác định, Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng (khoảng 12,36 tỷ USD) của Ngân hàng SCB (được xác định là tiền của người dân và khách hàng gửi). Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng. Tổng cộng thiệt hại là hơn 415.000 tỷ đồng.