Chính phủ trình phương án bổ sung vốn hơn 20.000 tỷ đồng cho Vietcombank

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.

Chính phủ trình phương án bổ sung vốn hơn 20.000 tỷ đồng cho Vietcombank- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước cho Ngân hàng Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Thời gian thực hiện là năm 2024 và tiếp tục trong năm 2025 nếu chưa hoàn thành.

Theo báo cáo của Chính phủ, vốn điều lệ hiện nay của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhiều ngân hàng TMCP tư nhân như: VPBank (79.339 tỷ đồng), Techcombank (70.450 tỷ đồng) và không có sự cách biệt lớn so với một số ngân hàng khác như: MB (52.871) tỷ đồng, ACB (44.667 tỷ đồng), SHB (36.629 tỷ đồng).

Vì vậy, nếu Vietcombank không được tăng vốn điều lệ thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng.

Việc tăng vốn điều lệ cũng là cơ sở để Vietcombank mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt trong việc thực hiện cho vay các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ nền kinh tế của đất nước.

Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank cũng nhằm tạo điều kiện để ngân hàng này đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định hiện nay.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, việc tăng vốn cho Vietcombank sẽ giúp cho ngân hàng có tiềm lực để tiếp tục phát huy trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế.

Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước là cơ sở để VCB nâng cao năng lực tài chính, có nguồn lực để cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng Quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt lớn. Theo quy định tại Điều 136 Luật Các TCTD năm 2024, giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người liên quan phụ thuộc vào vốn tự có.

Vì thể, trường hợp VCB không được đầu tư bổ sung vốn nhà nước thì với mức vốn tự có hiện tại của VCB sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng Quốc gia có nhu cầu vốn đặc biệt lớn như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng Quốc gia, cầu đường, cảng biển,…

Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB cũng là điều kiện cần thiết để VCB có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, NHNN giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế.

Theo phương án mà Chính phủ đề xuất, Vietcombank sẽ phát hành 2.766.600.173 cổ phiếu để chia cổ tức, tỷ lệ chi trả 49,5%. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, Vietcombank sẽ có vốn điều lệ 83.557 tỷ đồng. Nguồn sử dụng để phát hành và tăng vốn điều lệ là lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Trong đó, cổ đông Nhà nước là 20.695 tỷ đồng và cổ đông ngoài nhà nước là 6.971 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là năm 2024 và tiếp tục trong năm 2025 nếu chưa hoàn thành.

Đối với lợi nhuận còn lại năm 2022, 2023, hiện nay NHNN đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan để làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư bổ sung vốn cho Vietcombank.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank và cơ bản nhất trí với mức vốn, nguồn vốn đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank theo đề xuất của Chính phủ.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ nêu rõ thêm ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng Mizuho Corporate Bank (đang nắm giữ 15% vốn điều lệ của Vietcombank), bảo đảm sự đồng thuận.

Mai Linh (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT