Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chủ sở hữu thương hiệu kem Tràng Tiền: Làm ăn có lãi nhưng vẫn lỗ lũy kế hàng trăm tỷ

Hà Thị Lưu Luyến

One Capital Hospitality (OCH) là chủ sở hữu của Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền. Dù làm ăn có lãi trong năm 2022 nhưng công ty này vẫn ôm khoản lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng.

Công ty cổ phần One Capital Hospitality (OCH) có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Đây là đơn vị sở hữu thương hiệu Kem Tràng Tiền (Công ty CP Kem Tràng Tiền) trứ danh đất Hà Thành. Công ty này còn sở hữu thương hiệu bánh Givral (Công ty CP Bánh Givral) nổi tiếng Sài Gòn.

Ngoài ra, OCH cũng là công ty mẹ nắm trong tay chuỗi resort Sunrise Nha Trang, Sunrise Hội An, Starcity Nha Trang, Starcity Airport Ho Chi Minh City và Starcity Tây Hồ (Hà Nội)...

CTCP Kem Tràng Tiền thành lập năm 1958. Ban đầu, OCH sở hữu công ty Kem Tràng Tiền thông qua công ty con là CTCP Bánh Givral. Từ tháng 10/2022, OCH thông qua việc nhận 1.499.700 cổ phần Kem Tràng Tiền từ Bánh Givral để sở hữu trực tiếp thương hiệu kem nổi tiếng. Sau chuyển nhượng, Kem Tràng Tiền chính thức trở thành công ty con của One Capital Hospitality.

Trong số các công ty con mà OCH đang sở hữu, Công ty CP Kem Tràng Tiền vốn điều tệ 15 tỷ đồng; Công ty CP Bánh Givral vốn điều lệ 330 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang có vốn điều lệ lớn nhất gần 561 tỷ đồng.

chu-so-huu-thuong-hieu-kem-trang-tien-1682498322.jpg
Công ty CP Kem Tràng Tiền vốn điều lệ 15 tỷ đồng, là công ty con thuộc One Capital Hospitality.

Báo cáo tài chính hợp nhất OCH cho thấy, tổng doanh thu bán hàng và dịch vụ của công ty đạt 1.002 tỷ, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 18,8 tỷ lên 21,5 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng tăng mạnh từ 77 tỷ lên 173 tỷ đồng so với năm trước, chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu chiếm tới 91,2 tỷ đồng. Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm hơn 2,4 lần so với cùng kỳ còn 167 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí dự phòng giảm gần 10 lần so với cùng kỳ.

Tổng kết lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 72,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh nghiệp này lỗ tới 467,5 tỷ đồng.

Tài sản ngắn hạn 1.107 tỷ, tăng 10,7% tức hơn 107 tỷ so với cùng kỳ. Tài sản dài hạn đạt 1.191 tỷ, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ. Tổng cộng tài sản của doanh nghiệp này đạt 2.298 tỷ, tăng 82 tỷ (tương ứng 3,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Tính tới cuối 2022, OCH đang có khoản lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán hơn 741 tỷ đồng, đã giảm đi so với khoản lỗ 829 tỷ cùng kỳ.

Nợ phải trả tổng cộng 960 tỷ chiếm tỷ trọng lớn nhất là Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước với 208 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 18,9 tỷ đồng, giảm hơn 3 tỷ so với cùng kỳ.

Lĩnh vực kinh doanh chính của OCH là thực phẩm, khách sạn. Do đó, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, kinh tế dần ổn định, hệ thống cửa hàng thương mại, khách sạn hoạt động ổn định hơn cũng mang tới kết quả kinh doanh khả quan hơn.

Trước đó, 2 năm trong đại dịch, OCH cho biết đại dịch đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng hầu như đóng băng, hoạt động nhỏ giọt khiến các chỉ tiêu đặt ra không được như kỳ vọng. Mảng thực phẩm cũng bị ảnh hưởng khiến doanh thu giảm sút.

OCH được thành lập năm 2006 với tên gọi ban đầu là Công ty CP Xây dựng - Thương mại Bảo Long, số vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Ban đầu công ty hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản, tư vấn lập dự án. 3 năm sau, OCH "lấn sân" sang mảng thực phẩm với việc đầu tư và nắm cổ phần chi phối Công ty CP Sài Gòn - Givral.

Cùng với việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh, công ty tăng vốn điều lệ lên 530 tỷ đồng. Sau đó tới 2009, OCH tái cấu trúc và trở thành công ty con của Tập đoàn Đại Dương (OGC).

Hà Ly (t/h)