Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chủ tịch Trần Hùng Huy và HĐQT ACB nhận thù lao bao nhiêu trong năm 2023?

Hà Thị Lưu Luyến

Theo tờ trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ACB đã chi 80,99 tỷ đồng để trả thù lao và ngân sách hoạt động cho 11 thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát trong năm 2023. Như vậy bình quân mỗi người nhận được 7,3 tỷ đồng.

Ngày 4/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 và là một trong số ít ngân hàng tiến hành đại hội sớm nhất trong năm nay.

Dự kiến đại hội sẽ thông qua một số tờ trình của hội đồng quản trị như phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024; phương án tăng vốn điều lệ từ cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu phổ thông; mức thù lao của HĐQT và ban kiểm sát (BKS),…

Một trong số các tờ trình tại đại hội là HĐQT ACB đề xuất mức thù lao và ngân sách hoạt động năm 2024 cho HĐQT và BKS là 0,6% lợi nhuận sau thuế hợp nhất ghi nhận tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024.

Trước đó, đại hội đồng cổ đông năm 2023 đã phê duyệt thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS năm 2023 cũng ở mức 0,6% lợi nhuận sau thuế của năm. Theo đó, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 ghi nhận lợi nhuận sau thuế của ACB ở mức 16.045 tỷ đồng, tương đương mức thù lao chi cho HĐQT và BKS là 96,27 tỷ đồng.

chu-tich-tran-hung-huy-va-hdqt-acb-nhan-thu-lao-bao-nhieu-trong-nam-2023-2-1712207143.PNG
Nguồn: ACB

Tuy nhiên, mức chi thực tế trong năm qua là 80,99 tỷ đồng, bằng 84,13% kế hoạch. Tại ngày 31/12/2023, HĐQT và BKS của ACB gồm 11 người. Với số nhân sự này, tính bình quân mỗi người sẽ nhận về khoảng 7,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của ACB cũng ghi nhận thù lao trả cho HĐQT trong năm 2023 là 34,6 tỷ đồng và thù lao trả cho BKS là xấp xỉ 10 tỷ đồng, tăng lần lượt là 34% và 16% so với năm 2022.

chu-tich-tran-hung-huy-va-hdqt-acb-nhan-thu-lao-bao-nhieu-trong-nam-2023-1712207278.PNG
Nguồn: ACB

Trong năm 2024, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 17.600 tỷ đồng. Nếu hoàn thành mục tiêu này, Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy cùng các thành viên HĐQT và BKS sẽ được duyệt chi 105,60 tỷ đồng cho lương thưởng và ngân sách hoạt động.

Nếu số thành viên HĐQT và BKS vẫn giữ nguyên như tại ngày cuối năm 2023 và ngân hàng chi thù lao cho HĐQT và BKS theo đúng kế hoạch của năm 2024, dự kiến mức chi trung bình sẽ là 9,6 tỷ đồng/người.

Một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 được ACB trình đại hội gồm: Lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17.600 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức năm 2024 dự kiến 25% (10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu).

Cũng nằm trong mục tiêu năm 2024, ACB dự kiến tổng tài sản đạt 805.000 tỷ đồng (tăng 12%); tiền gửi khách hàng 593.779 tỷ đồng, tăng 11%; cho vay khách hàng 555.866 tỷ đồng, tăng 14%;... Đồng thời ngân hàng có kế hoạch phát hành thêm hơn 582 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2023, qua đó nâng vốn điều lệ từ 38.840 tỷ đồng lên 44.666 tỷ đồng trong năm nay.

Về tình hình kinh doanh năm 2023, thu nhập lãi thuần của ACB đạt 24.959 tỷ đồng, tăng 6%. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh nhất từ hơn 20 tỷ đồng lên trên 2.647 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cả năm tăng 27% lên mức 21.872 tỷ đồng.

Dù tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng từ gần 71 tỷ đồng lên 1.804 tỷ đồng, ACB vẫn báo lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 20.068 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2022.

Trong cơ cấu nguồn vốn, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác tăng 32% đạt 89.506,6 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng ghi nhận 482.703 tỷ đồng, tăng 16%.

Dù lợi nhuận tăng trưởng nhưng chất lượng tài sản của ngân hàng này lại kém khả quan. Tổng nợ xấu của ACB ghi nhận 5.887 tỷ đồng, tăng 93% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 2,1 lần, nợ nghi ngờ tăng 2,3 lần và nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 1,8 lần và chiếm tới 66% tổng nợ xấu. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay bị đẩy từ 0,74% lên 1,22% vào cuối năm 2023.

Hà Ly