Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chứng khoán Tiên Phong huy động thành công 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu

Vũ Ngọc Quỳnh

TPS đã phát hành thành công lô trái phiếu đầu tiên trong năm 2023 mã ORSH2328001 với kỳ hạn 60 tháng.

chung-khoan-tien-phong-huy-dong-thanh-cong-1000-ty-dong-tu-trai-phieu-antt-1694917541.jpg
Chứng khoán Tiên Phong phát hành Thành Công lô trái phiếu đầu tiên trong nă 2023 mã ORSH2328001. Ảnh minh hoạ

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu của CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, MCK: ORS).

Cụ thể, từ ngày 3/7 – 31/8, Chứng khoán Tiên Phong đã phát hành thành công lô trái phiếu mã ORSH2328001, ngày phát hành là 3/7, ngày kết thúc phát hành bào ngày 31/8. Lô trái phiếu có thời hạn 60 tháng và sẽ đáo hạn vào ngày 3/7/2028.

Giá trị phát hành theo mệnh giá của lô trái phiếu này là 1.000 tỷ đồng.

Trước đó vào cuối tháng 6/2023, HĐQT ORS đã có nghị quyết về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2023 với tổng giá trị mệnh giá phát hành tối đa là 1.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có đảm bảo, được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ và được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Kỳ hạn trái phiếu là 60 tháng kể từ ngày phát hành. Lãi suất của trái phiếu áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm, lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo là lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3,7%/năm.

Số tiền thu về 1.000 tỷ đồng sẽ được dùng để thanh toán toàn bộ dư nợ gốc tại 5 lô trái phiếu được phát hành trong tháng 8/2020 và đã đáo hạn vào tháng 8/2023 vừa qua.

TPS đang tích cực huy động vốn trong thời gian gần đây. Ngày 14/6 vừa qua, HĐQT TPS cũng có nghị quyết thông qua việc vay vốn tại ABBank dưới hình thức cho vay theo hạn mức tín dụng, giá trị tối đa là 1.400 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn lưu động kinh doanh/bồi hoàn vốn tự có tự doanh chứng khoán đối với mục đích đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, chứng chỉ tiền gửi.

Đến ngày 21/8, HĐQT TPS lại ra nghị quyết về việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Thăng Long (VCB). Giá trị hạn mức tín dụng là tối đa 900 tỷ đồng, được sử dụng cho việc thanh toán tiền mua trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ khác.

Đáng chú ý, vào ngày 3/8, HĐQT ORS đã thông qua việc triển khai thực hiện phương án chào bán quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng.

Cụ thể, TPS sẽ chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền dự kiến thu về là 1.000 tỷ đồng, dự kiến được sử dụng để nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn của ORS, huy động vốn nhằm thực hiện hoạt động đầu tư, cơ cấu nợ của công ty.

Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động ghi nhận 1.621 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL ghi nhận 871 tỷ đồng, tăng 45,7% so với nửa đầu năm 2022. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 39,6% xuống còn gần 57 tỷ đồng và doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán giảm 54% xuống còn gần 20 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm 2023, TPS không ghi nhận doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán, cùng kỳ năm 2022 doanh thu này đạt 12,9 tỷ đồng.

Doanh thu nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán cũng giảm từ mức 31,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống còn gần 2 tỷ đồng trong điều kiện thị trường trái phiếu chưa hồi phục, tình hình phát hành TPDN vẫn khá trầm lắng khi lũy kế 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị phát hành TPDN toàn thị trường chỉ ghi nhận 42.783 tỷ đồng, tương đương 15,9% giá trị phát hành của cả năm 2022, với 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng và 35 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 37.262 tỷ đồng.

Nghiệp vụ lưu ký chứng khoán tiếp tục là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho TPS. Hoạt động này đóng góp gần 37% tổng doanh thu hoạt động, đạt gần 599 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Về chi phí, trong 6 tháng đầu năm, tài sản tài chính FVTPL ghi nhận lỗ 874 tỷ đồng, tăng 16,5%. So với cùng kỳ năm 2022, các chi phí hoạt động tự doanh giảm 24% xuống còn 1,6 tỷ đồng, chi phí môi giới giảm 45% xuống còn 26,7 tỷ đồng và chi phí hoạt động tư vấn tài chính giảm gần 58% xuống còn 51 tỷ đồng.

Riêng chi phí nghiệp vụ lưu ký chứng khoán tăng 33,5% lên mức 269 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với mức tăng gấp 4 lần của doanh thu nghiệp vụ lưu ký thì mức tăng chi phí trên không đáng kể.

Tổng chi phí hoạt động 6 tháng là 1.222,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Qua đó, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2023 của TPS đạt 110,2 tỷ đồng, tăng trưởng 19,2%, đạt gần 60% kế hoạch cả năm.

Tại thời điểm 30/06/2023, tổng tài sản của TPS ghi nhận 9.370 tỷ đồng, tăng mạnh 39,7% so với thời điểm đầu năm, trong đó khoản mục tiền và tương đương tiền tăng mạnh khi ghi nhận đến 2.430 tỷ đồng trong khi thời điểm đầu năm chỉ hơn 15 tỷ đồng. Khoản mục giảm mạnh là phải thu bán các tài sản tài chính từ mức 2.623 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 631 tỷ đồng

Hà Anh