Đề nghị truy tố 15 bị can vụ Xuyên Việt Oil về 4 nhóm tội danh

Tại kết luận điều tra vụ án Xuyên Việt Oil có tất cả 15 bị can bị đề nghị truy tố với 4 nhóm tội danh. Trong đó, ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) bị đề nghị truy tố về hai tội danh là "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và "Nhận hối lộ".

Đề nghị truy tố 15 bị can

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao, đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án Xuyên Việt Oil về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Đưa – Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Trong đó, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) về hai tội danh là "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và "Nhận hối lộ".

Bảy người bị đề nghị truy tố tội "Nhận hối lộ" gồm: Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Công Thương); Trần Duy Đông (nguyên Vụ trưởng Thị trường trong nước, Bộ Công Thương); Hoàng Anh Tuân và Nguyễn Lộc An (nguyên Vụ phó Thị trường trong nước); Lê Duy Minh (nguyên Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Cục trưởng Thuế Thành phố Hồ Chí Minh); Đặng Công Khôi (nguyên Cục phó Quản lý giá, Bộ Tài chính); Phan Kiến Anh (nguyên Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn).

Hai lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil gồm Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc) bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Đưa hối lộ".

Bà Nguyễn Thị Như Phương (Phó giám đốc Xuyên Việt Oil) bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Bên cạnh đó, năm người bị đề nghị truy tố về tội "Đưa hối lộ" gồm: Nguyễn Văn Thắng (nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Xuyên Việt Oil); Vũ Trung Thành (nguyên Giám đốc ngân hàng chi nhánh Thanh Xuân); Đinh Tiến Dũng (Kế toán trưởng Xuyên Việt Oil); Nguyễn Tấn Long (Trưởng phòng Kinh doanh Xuyên Việt Oil) và Đồng Xuân Dũng (lao động tự do).

Xuyên Việt Oil trục lợi Quỹ Bình ổn xăng dầu như thế nào?

Theo kết luận điều tra, năm 2016, Xuyên Việt Oil được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Sau khi được cấp phép, Mai Thị Hồng Hạnh và đồng phạm đã lợi dụng việc được Nhà nước giao thu hộ tiền Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) và quản lý, sử dụng tiền quỹ tại công ty để trục lợi.

Đề nghị truy tố 15 bị can vụ Xuyên Việt Oil về 4 nhóm tội danh- Ảnh 1.

Bị can Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Xuyên Việt Oil

Cụ thể, bà Hạnh đã không chỉ đạo nhân viên công ty thực hiện trích lập Quỹ BOG theo quy định của Bộ Công thương, mà chỉ đạo Nguyễn Thị Như Phương chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Hạnh để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Theo cáo buộc, Hạnh đã dùng tiền của quỹ để mua bất động sản, cho bạn bè vay mượn, chi tiêu cá nhân; đồng thời chi hối lộ cho một số lãnh đạo tại Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Cục Thuế TP.HCM...), nên số dư Quỹ BOG không đúng theo quy định. Hậu quả gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Từ tháng 10/2016 - 6/2023, để đối phó với hoạt động thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính và Bộ Công thương, Mai Thị Hồng Hạnh chỉ đạo nhân viên kế toán lập 81 báo cáo tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG.

Tiếp đó, Hạnh chỉ đạo Nguyễn Thị Như Phương và một số cá nhân thay mặt Hạnh ký báo cáo nhưng thực tế số dư trong tài khoản không đúng với số liệu có trong các báo cáo. Tổng cộng, Hạnh và đồng phạm đã gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền hơn 219 tỷ đồng.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 10/2021 - 7/2022, Công ty Xuyên Việt Oil không nộp thuế bảo vệ môi trường đúng thời hạn (quá 90 ngày) và còn nợ tổng cộng hơn 1.244 tỷ đồng (chưa tính lãi phạt chậm nộp) cho ngân sách Nhà nước.

Từ tháng 10/2021 đến ngày 21/2/2023, Mai Thị Hồng Hạnh đã rút tổng cộng trên 1.900 tỷ đồng từ các tài khoản của Công ty Xuyên Việt Oil. Hiện, trong 17 tài khoản của Hạnh và 19 tài khoản của Công ty Xuyên Việt Oil chỉ còn hơn 4 tỷ đồng và trên 244 USD. Do đó, Hạnh không còn khả năng tài chính để chuyển nộp tiền thuế đã thu hộ vào ngân sách.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra còn xác định Mai Thị Hồng Hạnh đưa hối lộ cho 8 bị can tổng cộng hơn 1,3 triệu USD và 900 triệu đồng. Song, Hạnh chỉ đưa hối lộ thành công trên thực tế là trên 1,2 triệu USD và 900 triệu đồng.

Trong những người nhận tiền từ bà Hạnh có cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải (bị cáo buộc nhận 50.000 USD); cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông (250.000 USD); cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ (tổng số tiền và hiện vật hơn 1 triệu USD)...

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT