Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đề xuất bổ sung 3 dự án luật vào chương trình xây dựng luật năm 2024

Phạm Thị Tâm

Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi) là 2 trong số 3 dự án luật sẽ trình UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình năm 2024.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 19, thẩm tra các Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 vào ngày 25/11.

Theo đó, Ủy ban Pháp luật nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024 đối với các dự án: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Luật Hóa chất (sửa đổi).

Chính sách - Đề xuất bổ sung 3 dự án luật vào chương trình xây dựng luật năm 2024

Phiên họp toàn thể lần thứ 19 của Ủy ban Pháp luật.

Trước đó, Chính phủ đã có các Tờ trình số 435 đề nghị bổ sung dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và Tờ trình 556 đề nghị bổ sung dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung các dự án luật nêu trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Báo cáo ý kiến ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về các Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Hóa chất, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Phòng, chống mua bán người và ban hành Luật Nhà giáo.

Chính sách - Đề xuất bổ sung 3 dự án luật vào chương trình xây dựng luật năm 2024 (Hình 2).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành.

Việc sửa đổi, ban hành các Luật này cũng là kết quả thực hiện nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hồ sơ đề nghị xây dựng các Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu về thành phần hồ sơ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng các luật, cân đối số lượng các dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, bảo đảm tính gối đầu, thời gian cần thiết cho công tác soạn thảo các dự án luật bảo đảm chất lượng, căn cứ ý kiến của các cơ quan của Quốc hội:

Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi);

Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) (lùi một kỳ so với đề nghị của Chính phủ).

Đối với dự án Luật Nhà giáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là dự án Luật mới, có nhiều nội dung quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các nội dung liên quan.

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo còn nhiều nội dung cần được làm rõ về các chính sách của dự án Luật, về đánh giá tác động; một số nội dung trong hồ sơ đề nghị xây dựng các luật còn lại cũng cần được tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện thêm.

Qua làm việc với các cơ quan có liên quan đã thống nhất đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa bổ sung dự án vào Chương trình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp thu ý kiến của các cơ quan để hoàn thiện hồ sơ, sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất về sự cần thiết bổ sung các dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc bố trí thời gian trình các dự án luật.

Chính sách - Đề xuất bổ sung 3 dự án luật vào chương trình xây dựng luật năm 2024 (Hình 3).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất đề xuất các cơ quan của Quốc hội.

Theo đó, đối với dự án Luật Nhà giáo cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định bổ sung vào Chương trình. Đồng thời, lưu ý do đây là dự án luật có ý nghĩa quan trọng, do đó, đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật để sớm có thể trình xem xét đưa vào Chương trình khi đáp ứng đủ điều kiện.

Với 3 dự án còn lại, Ủy ban Pháp luật thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi);

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Trên cơ sở đó đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện các báo cáo, hồ sơ, tài liệu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.