Điểm danh các dự án bất động sản của Tập đoàn Lã Vọng

Từ việc sở hữu loạt nhà hàng ở nhiều vị trí đắc địa tại Hà Nội, Tập đoàn Lã Vọng sau này mở rộng quỹ đất tại khắp các tỉnh thành Hòa Bình, Hà Nam hay Đồng Nai. Đáng nói, nhiều dự án của tập đoàn này vướng lùm xùm trong việc giao và sử dụng đất.

Từ chuỗi nhà hàng đắc địa tới loạt dự án tai tiếng

Trước khi được biết đến với quỹ đất khủng, Tập đoàn Lã Vọng của Chủ tịch Lê Văn Vọng nổi tiếng với chuỗi nhà hàng ở vị trí đắc địa khắp Hà Nội. Có thể kể ra như: Nhà hàng Thế Giới Beer Lã Vọng (số 169 Hoàng Ngân, quận Cầu Giấy); Nhà hàng Hải sản Lã Vọng (số 2A Nguyễn Thị Thập, quận Cầu Giấy); Nhà hàng Hầm Beer Lã Vọng (số 2C Nguyễn Thị Thập, quận Cầu Giấy); nhà hàng hải sản Lã Vọng - Bán đảo Hoàng Cầu…

Năm 2008, bằng việc thành lập pháp nhân Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới, doanh nhân Lê Văn Vọng thể hiện rõ tham vọng lấn sân sang mảng bất động sản.

Dự án đầu tay của Tập đoàn Lã Vọng mang tên Dự án Ngôi nhà mới (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Dự án này được duyệt từ năm 2008 và triển khai trong giai đoạn 2009-2010. Với quy mô 27,5 ha và 258 lô biệt thự nằm gần trung tâm huyện Quốc Oai, dự án có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng.

Điểm danh các dự án bất động sản của Tập đoàn Lã Vọng- Ảnh 1.

Khu đô thị Ngôi nhà mới, dự án đầu tay của Tập đoàn Lã Vọng

Dự án được quảng cáo sẽ phát triển theo mô hình sinh thái với biệt thự, chung cư, trường học cao cấp, trung tâm thương mại, trạm xá, hồ sinh thái, công viên cây xanh… Tuy nhiên, sau cả chục năm triển khai dự án mới chỉ hoàn thiện phần xây thô và bị bỏ hoang.

Thứ hai là dự án New House Xa La (quận Hà Đông) có diện tích khoảng 10ha do Công ty cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới (thuộc tập đoàn Lã Vọng) liên danh cùng Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ thực hiện.

Khu đất để triển khai dự án này vốn là trụ sở cơ sở 2 của Công ty Sông Nhuệ. Năm 2014, trên diện tích này, hai đơn vị đã hợp tác thực hiện dự án với tên gọi là trụ sở làm việc của Công ty Sông Nhuệ và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại.

Tuy nhiên đến năm 2015, Công ty Sông Nhuệ đã ký một Hợp đồng ủy quyền toàn diện cho Công ty Ngôi Nhà Mới thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Điều đáng nói là tới khi dự án được xây xong, Công ty Sông Nhuệ vẫn phải đi thuê mặt bằng để làm trụ sở làm việc. Điều này làm dấy lên nghi vấn việc Tập đoàn Lã Vọng thâu tóm khu đất công này.

Khi rà soát các doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bao gồm cả dự án New House Xa La, Bộ Tài chính từng đánh giá việc sắp xếp lại cơ sở, nhà đất của doanh nghiệp nhà nước tại dự án này không thực hiện đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai 2013.

Thứ ba là dự án Khu đô thị Louis City Đại Mỗ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) có diện tích lên tới 30,5 ha, với gần 600 căn liền kề, 28 căn biệt thự, 2.000 căn chung cư cao cấp.

Diện tích đất thực hiện dự án Khu đô thị Louis City Đại Mỗ mà Lã Vọng có được là phần đối ứng, thông qua việc thực hiện hợp đồng dự án BT cải tạo hồ ở quận Long Biên.

Bên cạnh Khu đô thị Louis City Đại Mỗ, Lã Vọng còn liên quan đến nhiều dự khác dưới dạng hợp đồng BT. Cụ thể, giữa năm 2017, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư Louis Group được chỉ định thầu thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 8.800 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư Louis Group là doanh nghiệp thực hiện dự án do liên danh Công ty Cổ phần Sông Đà - Tổng công ty phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), Công ty Ngôi nhà mới và Công ty Đại An lập ra.

Mục tiêu của dự án là cải tạo, nâng cấp 20,9 km quốc lộ 6 đoạn từ Ba La – Xuân Mai (từ 4 – 6 làn xe). Đổi lại, Louis Group sẽ được nhận được đất đối ứng bao gồm 41 ô đất với tổng diện tích khoảng 441,26 ha trên địa bàn các quận/huyện tại thành phố Hà Nội là: Hà Đông, Chương Mỹ, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Ba Vì, Mê Linh.

Tuy nhiên, đến năm 2028, Hà Nội bất ngờ giảm tổng mức đầu tư xuống còn khoảng 8.713 tỷ đồng và đổi sang hình thức đấu thầu tìm chủ đầu tư cho dự án, thay vì chỉ định thầu như trước. Do đó, dự án BT Ba La – Xuân Mai đã "tuột" khỏi tầm tay của Lã Vọng.

Ngoài dự án trên, Công ty Ngôi nhà mới còn có tên trong liên danh đầu tư dự án vành đai 2,5 đoạn từ Trung Kính đến cuối đường Trần Duy Hưng, thành phố Hà Nội (dài 580m) theo hình thức BT.

Đây là một trong 03 đoạn khép kín dự án vành đai 2,5 cùng với đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng - đường Dương Đình Nghệ (dài 720m) và đoạn Ngụy Như Kon Tum - Đầm Hồng (dài 1.890m). Tổng mức đầu tư khoảng 7.353 tỷ đồng.

Cùng liên danh với Ngôi nhà mới còn có Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Mekong E&C và Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị Đại Việt. Dự án đường vành đai 2,5 nằm trong danh mục các nhóm công trình giao thông quan trọng triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Được biết, năm 2021, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có quyết định tạm dừng việc triển khai đối với 82 dự án đầu tư theo hình thức BT. Trong đó, có 2 dự án liên quan nêu trên của Công ty Ngôi nhà mới.

Cuối tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thanh tra các dự án ở Hà Nội của Tập đoàn Lã Vọng và các đơn vị thành viên. Chỉ đạo được đưa ra sau khi Tập đoàn của Chủ tịch Lê Văn Vọng được cho là được ưu ái giao nhiều khu "đất vàng" để thực hiện dự án bất động sản, dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BT.

Trong đó gồm có 5 dự án do Công ty Lã Vọng và các công ty thành viên làm chủ đầu tư, 3 dự án hợp tác đầu tư và 1 dự án thuê mặt bằng kinh doanh. Các dự án này được cho là có sai phạm liên quan tới việc đấu giá dự án, cho thuê đất, chỉ định nhà đầu tư, nghĩa vụ tài chính...

"Săn" quỹ đất khủng từ Bắc vào Nam

Cùng thời điểm nằm trong "tầm ngắm" của Thanh tra Chính phủ, doanh nhân Lê Văn Vọng cùng hai người em trai (ông Lê Văn Vân và Lê Văn Hải) gần như thoái vốn tại hàng loạt công ty trong hệ sinh thái Lã Vọng.

Cùng lúc này, hệ sinh thái của doanh nhân Lê Văn Vọng có thêm thành viên mới mang tên Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Tài chính Việt Nam (VFI) đánh dấu sự hiện diện của Lã Vọng tại nhiều dự án bất động sản ngoài Hà Nội.

Cụ thể, tháng 12/2019, VFI cùng Ngôi nhà mới được chọn làm liên danh thực hiện dự án Khu đô thị mới Trung Minh tại xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình. Đến tháng 2/2020, liên danh này thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh.

Dự án Khu đô thị mới Trung Minh A hiện có tên thương mại là quần thể đô thị nghỉ dưỡng Casa Del Rio. Dự án có diện tích 83,57 ha với tổng mức đầu tư 1.126 tỷ đồng; gồm 1.035 căn biệt thự song lập, 392 căn biệt thự đơn lập, 250 căn nhà liền kề và 326 căn shophouse.

Điểm danh các dự án bất động sản của Tập đoàn Lã Vọng- Ảnh 2.

Vị trí phân khu Roma đã mở bán từ tháng 3/2024

Cập nhật đến tháng 3/2024, quần thể đô thị nghỉ dưỡng Casa Del Rio chính thức được mở bán phân khu đầu tiên là Roma ở vị trí trung tâm đẹp nhất dự án với tổng quy mô 33,15ha.

Cùng năm 2020, liên danh khác của hệ sinh thái Lã Vọng gồm Công ty Cổ phần Lã Vọng Group và Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới được chấp thuận làm nhà đầu tư dự án Khu đô thị mới Trung Minh B cũng nằm tại xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình. Tháng 11/2020, liên danh nói trên thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Aqua City Hòa Bình.

Khu đô thị mới Trung Minh B có quy mô gần 59 ha và tổng vốn đầu tư gần 780 tỷ đồng. Tháng 11/2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp giấy phép cho Công ty TNHH Aqua City Hòa Bình xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án này.

Cũng tại tỉnh Hòa Bình, một pháp nhân khác thuộc hệ sinh thái Lã Vọng là Công ty Cổ phần Việt-Eco Hòa Bình (Việt - Eco Hoà Bình) được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và trung tâm dưỡng lão Việt-Eco Hòa Bình. Dự án có địa chỉ tại xóm Nà Bờ, xã Sào Báy và xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Tổng mức đầu tư là 937,2 tỷ đồng và quy mô là 60,9 ha.

Tại Quyết định số 35/QĐ-UBND do UBND tỉnh Hòa Bình ban hành hồi tháng 8/2024, Dự án Khu du lịch sinh thái và trung tâm dưỡng lão Việt-Eco Hòa Bình được đổi tên thành "Khu du lịch sinh thái Việt - Eco Hòa Bình".

Đồng thời, tổng vốn đầu tư dự án được nâng lên thành 1.137,7 tỷ đồng bao gồm vốn chủ sở hữu chiếm 15%, còn lại là vốn vay khác.

Tiến độ thực hiện như sau: Từ tháng 4/2019 đến hết tháng 01/2024, hoàn thành các thủ tục về đầu tư, thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng khoảng 88% diện tích đất đăng ký sử dụng của dự án.

Từ tháng 02/2024 đến hết tháng 12/2024, hoàn thành các thủ tục đất đai, cấp phép xây dựng, kết nối hạ tầng kỹ thuật giao thông, báo cáo đánh giá tác động môi trường,.... Từ tháng 01/2025 đến hết tháng 12/2026 thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của dự án, mua sắm, lắp đặt thiết bị. Tháng 01/2027 chính thức đưa dự án vào hoạt động.

UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu chủ đầu tư làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình để thực hiện các thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường. Trường hợp phát hiện có nguồn nước khoáng và có nhu cầu khai thác, sử dụng nước khoáng, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (nếu có) và các thủ tục khác có liên quan đảm bảo theo quy định hiện hành.

Trường hợp đến hết tháng 1/2027, dự án không được hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động (trừ trường hợp bất khả kháng), nhà đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định, Sở KH&ĐT sẽ báo cáo UBND tỉnh Hòa Bình xem xét, xử lý theo quy định.

Cũng tại xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, Công ty Cổ phần Việt - Eco Hòa Bình cùng liên danh với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện Khu nhà vườn cao cấp (Golden Farm). Dự án này có quy mô hơn 86ha, tổng mức đầu tư hơn 1.640 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 246 tỷ đồng.

Tháng 6/2023, một doanh nghiệp khác của hệ sinh thái Lã Vọng là Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Havana tiếp tục "bắt tay" với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tại dự án khu đô thị Mông Hoá tại phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình.

Khu đô thị Mông Hóa có tổng vốn đầu tư trên 2.280 tỷ đồng. Tại đây dự kiến đầu tư xây dựng 1.623 lô đất ở (gồm 418 lô biệt thự, 1.205 lô liền kề) với diện tích đất 22,7 ha và 150 lô đất có chức năng ở kết hợp dịch vụ, thương mại với diện tích 1,9 ha. Nhà đầu tư sẽ xây thô và hoàn thiện mặt ngoài 740 căn nhà; gồm 635 căn nhà liền kề, 27 căn nhà biệt thự và 78 căn nhà tại ô đất hỗn hợp. Hạng mục nhà ở xã hội xây dựng có diện tích 61.160 m2.

Về tiến độ thực hiện dự án, giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự kiến đến hết quý I/2023. Giai đoạn thực hiện đầu tư từ quý II/2023 đến hết quý III/2025. Chủ đầu tư bàn giao công trình đưa vào sử dụng và kinh doanh nhà ở thương mại từ quý IV/2025.

Cũng trong năm 2023, tập đoàn Lã Vọng còn "nhắm" tới dự án Khu đô thị Đại học Nam Cao tại địa phận phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Dự án này có sơ bộ tổng chi phí thực hiện là hơn 3.330 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 450,564 tỷ đồng.

Điểm danh các dự án bất động sản của Tập đoàn Lã Vọng- Ảnh 3.

Phối cảnh Khu đô thị Đại học Nam Cao

Diện tích sử dụng đất khoảng 101,48 ha (hiện chưa giải phóng mặt bằng), trong đó, đất ở hiện trạng khoảng 23 ha; đất trồng lúa khoảng 70 ha; đất xây dựng công trình sự nghiệp (cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo) khoảng 0,2 ha; đất nuôi trồng thủy sản khoảng 16,7 ha; đất nghĩa trang khoảng 2,5 ha; đất giao thông khoảng 14,3 ha.

Theo biên bản mở hồ sơ đăng ký, dự án có 2 nhà đầu tư đăng ký thực hiện, bao gồm: Liên danh Công ty CP Đầu tư Amazon River - Công ty CP Kinh doanh địa ốc Phát Đạt; Công ty TNHH Khoáng sản Việt - Stone. Cả 3 doanh nghiệp này đều có mối liên hệ mật thiết với Tập đoàn Lã Vọng.

Cũng thuộc dự án Khu đô thị Đại học Nam Cao nhưng tại địa phận thành phố Phủ Lý có quy mô 259,3ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5.251,4 tỷ đồng. Hai nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án là Công ty TNHH Liên doanh Việt – SK Group (Việt – SK Group) và CTCP Đầu tư Địa ốc Vina Land (Vina Land) cũng có mối liên hệ với Lã Vọng.

Không chỉ "săn đất" tại các tỉnh phía Bắc, tập đoàn Lã Vọng còn hiện diện tại khu vực phía Nam. Đó là dự án Khu dân cư theo quy hoạch tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Đây là dự án đầu tư xây dựng mới khu dân cư đô thị, với tổng mức đầu tư 2.536 tỷ, quy mô diện tích 12,97ha, quy mô dân số khoảng 4.500 – 5.000 người.

Dự án được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư số 241/QĐ-UBND vào tháng 1/2020. Đến tháng 8/2020, UBND tỉnh có Quyết định số 2703/QĐ-UBND về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án này.

Chủ đầu tư dự án là Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Xanh, CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới và CTCP Đầu tư PMT Land Việt Nam. Ngoài PMT Land Việt Nam thì hai pháp nhân còn lại đều có mối liên hệ với doanh nhân Lê Văn Vọng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT