Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Doanh thu tăng vọt, lãi ròng bán niên Hải Phát Invest vẫn giảm gần một nửa

Hà Thị Lưu Luyến

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hải Phát Invest mang về doanh thu 667,5 tỷ đồng tăng gấp rưỡi cùng kỳ nhưng lãi ròng vẫn giảm 48% về còn hơn 51 tỷ đồng.

Sau khi bị HoSE nhắc nhở về việc chậm công bố thông tin, ngày 29/8, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã HPX) đã công bố báo cáo tài chính riêng quý II/2023 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng tích cực.

Hải Phát Invest ghi nhận doanh thu riêng 624,5 tỷ đồng, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn hàng bán tăng vọt lên 467 tỷ đồng kéo lùi lợi nhuận gộp giảm 41,6% về còn 157,2 tỷ đồng.

Trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu tài chính giảm gần 5 tỷ đồng về còn 9,45 tỷ đồng. Cùng chiều, chi phí tài chính giảm mạnh từ 147 tỷ đồng của quý II/2022 về còn 40 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí lãi vay.

Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng tới 91% lên mức gần 14 tỷ đồng. Chỉ có chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 3 tỷ đồng về mức 15 tỷ đồng.

Kết quả, Hải Phát báo lãi ròng ở mức 84,3 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với lợi nhuận cùng kỳ năm 2022. Dù vậy con số này vẫn cao hơn nhiều khoản lỗ 33,1 tỷ đồng của quý I/2023 và khoản lãi 7,8 tỷ đồng của quý IV/2022.

doanh-thu-tang-vot-lai-rong-ban-nien-hai-phat-invest-van-giam-gan-mot-nua-1693381450.png
Chủ tịch Đỗ Quý Hải của Hải Phát Invest

Lũy kế 6 tháng đầu năm, HPX mang về doanh thu 667,5 tỷ đồng tăng gấp rưỡi cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 48% về còn hơn 51 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Hải Phát ở mức 9.205 tỷ đồng, giảm 4,3% so với thời điểm đầu năm. Trong 3.947 tỷ đồng tài sản ngắn hạn thì hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2.614 tỷ đồng, 1.184 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn.

Còn 5.258 tỷ đồng tài sản dài hạn thì có tới 3.903 tỷ đồng là tiền đầu tư vào công ty con, công ty liên kết và các đơn vị khác. Trong số 8 công ty mà HPX đang đầu tư, khoản đầu tư cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Địa ốc Ruby có giá trị lớn nhất là hơn 1.000 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Hải Phát Invest tại thời điểm cuối quý II đạt 5.878 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cuối năm 2022. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là mục phải trả ngắn hạn khác trị giá 1.849 tỷ đồng, với 972 tỷ đồng phải trả về dòng tiền quản lý tập trung, bao gồm các khoản phải trả của Hải Phát với các công ty như Công ty HPH Nha Trang, công ty Heritage, Công ty Retail, Công ty Hải Phát Bình Thuận,…

Vay nợ tài chính cuối quý II đã giảm 17,5% so với đầu năm về còn 2.608 tỷ đồng với 959,3 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 1.648,4 tỷ đồng nợ dài hạn.

Cùng ngày, Hải Phát Invest cũng đã công bố BCTC quý I/2023. Trước đó, HPX đã hai lần bị HoSe nhắc nhở về việc chậm công bố BCTC riêng và hợp nhất quý II/2023.

Hiện cổ phiếu HPX đang bị hạn chế giao dịch từ ngày 23/5 đồng thời nằm trong diện cảnh báo từ ngày 11/7.

Hà Ly (t/h)