Dự báo trái chiều về giá xăng dầu tại kỳ điều hành chiều 22/5
Các doanh nghiệp xăng dầu nhận định giá xăng có thể tăng khoảng 100 đồng/lít và chiều 22/5. Trong khi đó, VPI dự báo giá xăng có thể giảm tới 200 đồng/lít.
Theo chu kỳ điều hành giá, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ công bố giá bán lẻ xăng dầu mới vào ngày mai (22/5).
Các doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày mai có thể được điều chỉnh tăng theo xu hướng của giá xăng dầu trên thị trường thế giới.
Cụ thể, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng trong nước ngày mai có thể tăng khoảng 110-180 đồng/lít.
Ở chiều ngược lại, giá dầu diesel có khả năng được điều chỉnh giảm 170-220 đồng/lít. Trường hợp cơ quan điều hành chi Quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể được giữ nguyên.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng RON 95 trong nước ngày mai sẽ tăng phiên thứ hai liên tiếp. Giá nhiên liệu này vẫn đang ở mức thấp nhất 4 năm qua.

Dự báo trái chiều về giá xăng dầu tại kỳ điều hành chiều 22/5
Trái lại, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho hay, tại kỳ điều hành ngày 21/5, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể giảm 96 đồng (0,5%) về mức 19.084 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể giảm 235 đồng (1,2%) về mức 19.355 đồng/lít.
Mô hình của VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này có xu hướng tăng 0,9 - 2,5%, cụ thể dầu mazut được dự báo tăng 2,5% lên mức 16.564 đồng/kg, tiếp theo là dầu diesel có thể tăng 1,4% lên mức 17.461 đồng/lít, còn dầu hỏa có thể chỉ tăng 0,9% lên mức 17.375 đồng/lít.
VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 15/5), giá xăng RON 95 (loại phổ biến trên thị trường) được điều chỉnh tăng 420 đồng/lít, giá bán lẻ lên mức 19.590 đồng/lít. Tương tự, giá xăng E5 RON 92 tăng 410 đồng/lít, giá bán lên 19.180 đồng/lít.
Còn giá dầu diesel tăng 420 đồng/lít, giá bán lẻ lên mức 17.220 đồng/lít.
Trên thị trường quốc tế, giá dầu tuần qua ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp. Cả hai loại dầu chuẩn là Brent và WTI đều tăng hơn 2% trong tuần trước.
Giá dầu Brent chốt tuần trước ở mức 65,41 USD/thùng, còn giá dầu WTI kết thúc tuần ở mức 62,49 USD/thùng.
Giá dầu thế giới trong tuần trước được hỗ trợ mạnh bởi Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận hoãn áp dụng mức thuế quan cao trong 90 ngày.
Kết thúc phiên giao dịch 20/5, giá dầu gần như đi ngang do sự không chắc chắn trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran và các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Đầu phiên giao dịch hôm nay (21/5), giá dầu thế giới tăng, giảm trái chiều. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 7h47' ngày 21/5 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 66,35 USD/thùng, tăng 1,48%. Trong khi đó, giá dầu WTI ở mức 62,56 USD/thùng, giảm 0,21% so với phiên liền trước.
Theo nhà phân tích Alex Hodes của công ty dịch vụ tài chính StoneX, diễn biến đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ đã làm giảm hy vọng về một thỏa thuận, vốn có thể mở đường cho việc nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ và cho phép Iran tăng xuất khẩu dầu thêm 300.000 - 400.000 thùng/ngày. Khả năng gia tăng sản lượng tiềm năng này hiện có vẻ rất khó xảy ra.
Ông John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý tài sản Again Capital ở New York dự báo giá dầu có khả năng sẽ tiếp tục biến động trong tương lai gần khi các nhà đầu tư tìm kiếm thông tin cập nhật về thuế quan, đàm phán Mỹ - Iran và các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Hoàng Lam (t/h)