Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

EVN và chủ đầu tư hoàn thành đàm phán giá, ký tắt hợp đồng mua bán điện với 62/68 dự án điện tái tạo

Phạm Thị Tâm

Tính đến ngày 23/9, EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 62/68 dự án điện tái tạo.

evn-va-chu-dau-tu-hoan-thanh-dam-phan-gia-ky-tat-hop-dong-mua-ban-dien-voi-6268-du-an-dien-tai-tao-antt-1695540051.JPG
Ảnh minh họa

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 23/9, có 81/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.597,86MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; 68 dự án đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương.

Như vậy, so với tuần trước, có thêm 1 nhà máy là Nhà máy Điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 nộp hồ sơ đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện và thêm Nhà máy Điện gió Duyên Hải (V1-4) đề nghị giá tạm.

Được biết, dự án nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có tổng công suất lắp đặt 100 MW, diện tích sử dụng đất và mặt biển khoảng 2.165 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến là 5.519 tỷ đồng.

Dự án này được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư tại Công văn số 90/TTg-KTN ngày 14/1/2016, do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý làm chủ đầu tư.

Tính đến ngày 23/9, EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 62/68 dự án điện tái tạo.

Trong đó, 60 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 3331,41MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm; 20 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 1.171,72MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế đến ngày 21/9/2023 đạt hơn 591 triệu kWh.

23 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Hiện còn 4 dự án với tổng công suất 136,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Trước đó, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 15 về cơ chế giá cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp sau khi giá FIT hết hiệu lực từ cuối 2020.

Khung giá cho các dự án này được cơ quan quản lý đưa ra sau đó, nhưng nhiều chủ đầu tư phản ánh họ gặp khó khăn do giá mới đưa ra quá thấp.

Khung giá này giảm bình quân 4,2-7,3% một năm so với giá FIT ban hành năm 2020 (giá FIT2) với điện mặt trời mặt đất và nổi. Với điện gió, mức này cũng giảm 4,2-4,3% một năm so với FIT2.

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương khẳng định, việc tính toán, đưa ra khung giá phát điện cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp đúng quy định.

Phía Bộ Công Thương cho biết thêm, đơn vị này sẽ tiếp tục rà soát khung giá cho các dự án chuyển tiếp và kịp thời sửa, bổ sung nếu phát hiện bất cập.

Bạch Hiền (t/h)