Giá điện tăng lên 2.103 đồng/kWh, mỗi hộ gia đình phải trả thêm bao nhiêu tiền?

Với mức tăng giá điện tăng lên 2.103 đồng/kWh từ ngày 11/10, một hộ gia đình hiện nay phổ biến sử dụng điện bậc 5 (301-400kWh) sẽ phải trả thêm từ 47.050 đồng/tháng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có quyết định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, với mức mới là 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 11/10. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cũng được điều chỉnh tăng. Đơn giá mới cho bậc 1 (0-50kWh) lên 1.893 đồng/kWh, bậc 2 (51-100kWh) lên 1.956 đồng/kWh, bậc 3 (101-200kWh) lên 2.271 đồng/kWh, bậc 4 (201-300kWh) lên 2.860 đồng/kWh, bậc 5 (301-400kWh) lên 3.197 đồng/kWh, bậc 6 (401kWh trở lên) lên 3.302 đồng/kWh.

Giá điện tăng lên 2.103 đồng/kWh, mỗi hộ gia đình phải trả thêm bao nhiêu tiền?- Ảnh 1.

Giá điện tăng lên 2.103 đồng/kWh, mỗi hộ gia đình phải trả thêm bao nhiêu tiền?- Ảnh 2.

Như vậy, với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, giá điện của các hộ gia đình cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN, đối với các hộ sử dụng điện bậc 1 (0-50kWh) tiền điện tăng thêm 4.350 đồng/tháng; bậc 2 (51-100kWh) thêm khoảng 8.850 đồng/tháng; bậc 3 (101-200kWh) - chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt, mức tăng tiền điện 19.250 đồng/tháng.

Đối với các hộ sử dụng điện bậc 4 (201-300kWh) trả thêm 32.350 đồng/tháng; bậc 5 (301-400kWh) tăng 47.050 đồng/tháng; bậc 6 (401kWh trở lên) phải trả thêm khoảng 62.150 đồng/tháng.

Hiện, tổng số hộ sử dụng điện 200kWh/tháng trở xuống là 17,41 triệu hộ, tương ứng với 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Theo tính toán, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ là 13.800 đồng/hộ.

"Thực tế tính toán có mức tăng cao hơn nhiều, nhưng Chính phủ đã cân đối hài hòa các yếu tố an sinh xã hội, giảm tác động đến đời sống nhân dân và nền kinh tế nên quyết định mức tăng 4,8%" - ông Nam nói.

Đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ (547.000 khách hàng), trung bình mỗi tháng trả 5,17 triệu đồng tiền điện. Sau điều chỉnh, mỗi tháng sẽ trả thêm 247.000 đồng.

Với đơn vị sản xuất (1,921 triệu hộ), trung bình mỗi tháng trả 10,38 triệu đồng. Sau điều chỉnh, tiền điện tăng thêm 499.000 đồng/tháng. Nhóm hành chính sự nghiệp (691.000 khách hàng) trung bình mỗi tháng trả 1,93 triệu đồng. Sau điều chỉnh, nhóm này phải chi trả thêm 91.000 đồng/tháng.

Còn đối với hộ nghèo, gia đình chính sách, đại diện EVN cho biết hiện nay, mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách là 59.500 đồng/tháng. Nếu áp dụng theo giá mới thì mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện khoảng 62.500 đồng/tháng.

Trước đó, trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã được điều chỉnh tăng 2 lần (3% vào tháng 5/2023 và mức 4,5% vào tháng 11/2023). Với 2 lần tăng giá trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh và giá điện bình quân tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Hoàng Lam (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT