Giá xăng có khả năng giảm sau kỳ nghỉ lễ

Tại kỳ điều hành chiều 5/5, giá xăng trong nước được dự báo có thể giảm khoảng 100-480 đồng/lít.

Theo kế hoạch, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào chiều ngày 5/5 do thứ Năm (1/5) là ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động.

Một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày 5/5 có thể được điều chỉnh giảm theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới.

Cụ thể, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng trong nước có thể giảm khoảng 100-480 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel có khả năng được điều chỉnh giảm 150-380 đồng/lít.

Trong trường hợp cơ quan điều hành trích Quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể giảm ít hơn.

Nếu đúng như dự báo, giá xăng RON 95 trong nước sẽ đảo chiều giảm sau khi được điều chỉnh tăng vào kỳ điều hành trước.

Giá xăng có khả năng giảm sau kỳ nghỉ lễ- Ảnh 1.

Giá xăng có khả năng giảm sau kỳ nghỉ lễ

Trước đó, ở kỳ điều hành ngày 24/4 của Liên bộ Bộ Công Thương- Tài Chính, giá xăng dầu điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 740 đồng/lít, lên mức 19.238 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 782 đồng/lít, lên mức 19.638 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel 0.05S: Tăng 487 đồng/lít, lên mức 17.520 đồng/lít; dầu hỏa tăng 531 đồng/lít, ở mức 17.715 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 564 đồng/kg, lên mức 16.524 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazút.

Trên thị trường quốc tế, giá dầu tuần này giảm mạnh, hơn 8% đối với dầu Brent và khoảng 7,7% đối với dầu WTI. Mức giảm của giá dầu thế giới tuần này gấp 4 lần mức giảm của tuần trước.

Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 61,29 USD/thùng, còn giá dầu WTI đóng cửa ở mức 58,29 USD/thùng.

Lúc 7h25 ngày 4/5, giá dầu WTI ở mốc 58,29 USD/thùng, giá dầu Brent của Mỹ ở mốc 61,29 USD/thùng, không ghi nhận sự biến động so với đầu giờ sáng 3/5.

Trước đó, giá dầu trải qua chuỗi phiên giảm liên tiếp, do các số liệu kinh tế kém khả quan từ Mỹ và Trung Quốc khiến thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ sẽ chững lại, nhất là khi cuộc họp OPEC+ đang đến gần.

Ngoài ra, tăng trưởng việc làm của Mỹ chậm lại một chút trong tháng 4, khi việc làm phi nông nghiệp tăng 177.000 trong tháng trước, con số tăng tháng 3 là 185.000 (đã được điều chỉnh giảm).

Trước đó, Reuters đưa tin các quan chức của Saudi Arabia, quốc gia lãnh đạo trên thực tế của OPEC+, đã thông báo với các đồng minh và chuyên gia trong ngành rằng họ không muốn hỗ trợ thị trường dầu mỏ bằng cách cắt giảm nguồn cung thêm nữa. OPEC+ đang cắt giảm sản lượng hơn 5 triệu thùng/ngày.

Hoàng Lam (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT