Giá xăng có thể giảm nhẹ trong kỳ điều hành đầu tiên năm 2024
Tại kỳ điều hành ngày 4/1, giá xăng được dự báo giảm từ 50-150 đồng/lít, trong khi đó giá dầu được dự báo giảm mạnh hơn 300-350 đồng/lít.
Trên thị trường thế giới, lúc 6h hôm nay (3/1), giá dầu Brent giao dịch ở mức 75,89 USD/thùng, giảm 1,15 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua, trong khi đó dầu WTI giao dịch mức 70,38 USD/thùng, giảm 1,27 USD/thùng.
Giá dầu giảm khi các nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay tiêu dùng, theo đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Sự lao dốc của giá dầu cũng chịu tác động bởi sự mạnh lên của USD trong khi giá cổ phiếu trượt dốc. Đồng USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Với diễn biến trên thị trường quốc tế, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định giá xăng dầu trong nước có thể giảm trong kỳ điều hành ngày 4/1. Cụ thểm giá xăng E5 RON 92 có thể giảm 50-100 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 100-150 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel được dự báo giảm 300-350 đồng/lít.
Trường hợp dự báo trên là chính xác, mặt hàng xăng sẽ có phiên giảm giá đầu tiên trong năm 2024, đồng thời là phiên giảm thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, nếu liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trích quỹ bình ổn, giá xăng có thể giữ nguyên.
Tuần trước, tại phiên điều hành ngày 28/12/2023, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định giảm 10 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xuống còn 21.180 đồng/lít; giá xăng RON 95 giữ nguyên ở mức 22.580 đồng/lít. Liên bộ không trích lập và không chi quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng.
Trong năm 2023, giá xăng đã trải qua 38 lần điều chỉnh, trong đó có 21 lần tăng, 14 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1437/CĐ- về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2024 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trước ngày 31/12/2023; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp bảo đảm chủ động.
"Tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội", công điện của Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính công bố, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước và theo đúng quy định pháp luật, tín hiệu thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.