Giá xăng dầu có thể tăng mạnh vào ngày 10/10

Giá xăng dầu được dự báo sẽ tăng vào phiên điều hành ngày mai (10/10) theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới.

Tuần qua, trên thị trường thế giới, giá dầu ghi nhận mức tăng mạnh do ảnh hưởng bởi của rủi ro xung đột và địa chính trị.

Cụ thể, giá dầu Brent tăng 6 USD, kết thúc tuần ở mức 78,05 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 6,2 USD, chốt tuần ở mức 74,38 USD/thùng. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng 1,5 năm qua của thị trường xăng dầu thế giới.

Sau khi nhận thông tin về khả năng ngừng bắn giữa Hezbollah và Isarel, giá dầu thế giới giảm 4% ở phiên giao dịch ngày 8/10, dù vừa tăng mạnh 3% ở phiên giao dịch trước đó ngày 7/10.

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 8h12 ngày 9/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 74,5 USD/thùng, tăng 0,41% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 73,88 USD/thùng, tăng 0,42% so với phiên liền trước.

Giá xăng dầu có thể tăng mạnh vào ngày 10/10- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đối với thị trường Việt Nam, một số doanh nghiệp nhận định giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng theo diễn biến chung của thế giới. Kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo nghị định 80/2023 sửa đổi sẽ bắt đầu vào ngày mai 10/10.

Theo dự báo, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 950-1.250 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có khả năng tăng khoảng 820-1.050 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 3/10), giá các loại xăng dầu đều được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm.

Cụ thể, giá xăng E5 được điều chỉnh giảm 770 đồng/lít, giá bán là 18.850 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 710 đồng/lít, giá bán về mức 19.800 đồng/lít.

Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt được điều chỉnh giảm, với dầu diesel giảm 105 đồng, giá bán mới là 17.401 đồng/lít; dầu hỏa giảm 222 đồng, giá bán mới là 17.651 đồng/lít; dầu mazut giảm 354 đồng, giá bán không cao hơn 15.003 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành lần này, cơ quan điều hành quyết định không trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, không chi sử dụng quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Bộ Tài chính mới đây công khai chi tiết tình hình trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu, tính tới cuối quý II/2024.

Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến cuối quý II là 6.061 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng so với quý liền trước và là quý giảm thứ 5 liên tục. So với cuối năm 2023, số dư quỹ này giảm gần 600 tỷ đồng.

Trong đó, số dư Quỹ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - doanh nghiệp nắm một nửa thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước - chiếm hơn một nửa, ở mức gần 3.079 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu cũng ghi nhận số dư Quỹ bình ổn giá ở mức cao như Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) là 328 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec) là gần 300 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp 460 tỷ đồng, số dư Quỹ của Tổng Công ty TM XNK Thanh Lễ là hơn 390 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh là gần 165 tỷ đồng…

Ngược lại, một số doanh nghiệp đang ghi nhận mức âm Quỹ này là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) với số âm hơn 138 tỷ đồng; Bình Minh Petro âm 16 tỷ đồng, Trường An âm 14,8 tỷ đồng) hay Tân Nhật Minh âm 36 tỷ đồng…

Theo thống kê, số dư Quỹ bình ổn giá đầu kỳ là 6.079,48 tỷ đồng. Trong kỳ đã thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá 29,25 tỷ đồng; tổng số tiền chi sử dụng Quỹ bình ổn giá trong kỳ 9,7 tỷ đồng; lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá trên 3,2 tỷ đồng; lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá âm 5,9 tỷ đồng.

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT