Giá xăng dầu được dự báo tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh ngày 21/9

Tại kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21/9, dự báo giá xăng có thể tăng mạnh tới 1.000 đồng/lít, giá dầu có khả năng tăng 850-950 đồng/lít.

Theo lịch, ngày mai (21/9) là kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, theo chu kỳ 10 ngày một lần.

Nhận định về giá xăng dầu tại kỳ điều hành ngày mai, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho rằng, do giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore cũng tăng nên giá xăng trong nước vào ngày mai có thể tăng theo.

Theo dự báo, trong kỳ điều hành ngày mai, nếu cơ quan điều hành không trích lập, cũng không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 800-1.100 đồng/lít tùy loại, còn giá dầu có khả năng tăng 850-950 đồng/lít.

Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ BOG thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước vào ngày mai có thể tăng ít hơn.

Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng sẽ có lần tăng trở lại sau phiên giữ nguyên giá vào ngày 11/9. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 26 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.

gia-xang-dau-duoc-du-bao-tang-manh-trong-ky-dieu-chinh-ngay-21-9-1695182889.jpg
Giá xăng dầu được dự báo tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh ngày 21/9. Ảnh minh họa

Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 11/9), giá xăng được giữ nguyên, còn giá dầu tăng nhẹ. Cụ thể, giá xăng E5 giữ nguyên ở mức 23.470 đồng/lít. Giá xăng RON 95 đứng yên ở mức 24.870 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 415 đồng/lít, giá bán là 23.055 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 378 đồng/lít, giá tăng lên 23.188 đồng/lít; dầu mazut được giữ nguyên mức giá từ kỳ trước là 17.704 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, cơ quan điều hành không trích lập Quỹ BOG và chỉ chi Quỹ với xăng RON95 là 14 đồng/lít, E5 là 22 đồng/lít, dầu mazut là 27 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu gần đây liên tiếp tăng mạnh. Tuần trước, giá dầu Brent và dầu WTI đều tăng khoảng 4%. Hiện giá dầu thế giới đã ở mức cao nhất 10 tháng qua.

Theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 7h28' ngày 20/9 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 94,46 USD/thùng. Giá dầu WTI ở mức 91,59 USD/thùng.

Giá dầu tăng mạnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung sau khi Saudi Arabia và Nga bất ngờ tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện tới 1,3 triệu thùng/ngày trong 3 tháng cuối năm.

Các nhà phân tích nhận định, giá dầu thế giới sẽ không chỉ dừng lại ở mức 95 USD/thùng như những dự báo trước đó. Sự thiếu hụt nguồn cung sẽ đẩy giá dầu chinh phục mốc 100 USD/thùng, thậm chí vượt mốc này vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao, do đó, giá xăng dầu trong nước được dự báo cũng sẽ tăng mạnh.

Liên quan đến Quỹ BOG, mới đây, Bộ Tài chính đã công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư quỹ này trong quý II/2023.

Theo Bộ Tài chính, số dư Quỹ BOG đến hết ngày 31/3/2023 là 5.640 tỷ đồng. Sang đến quý II, số dư tiếp tục tăng lên nhanh chóng do tăng cường trích lập, hạn chế chi Quỹ.

Theo Bộ Tài chính, số dư quỹ BOG đến hết ngày 30/6/2023 lên tới 7.424 tỷ đồng và là mức cao nhất từ quý I/2021.

Trong vòng 2 tháng lại đây, giá xăng dầu tăng 6 lần liên tiếp, trong khi Quỹ BOG dư hơn 7.400 tỷ đồng nhưng số chi Quỹ BOG lại khá nhỏ giọt. Hiện nhà điều hành đã dừng trích lập vào quỹ này với các mặt hàng xăng, dầu từ đầu tháng 7 đến nay.

Theo báo cáo chi tiết việc trích chi, sử dụng quỹ của 34 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu trong quý II, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn giá cuối kỳ đến ngày 30/6 cao nhất với hơn 3.198 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số dư quỹ.

Đứng thứ hai là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612,3 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức với hơn 468,3 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp với 454 tỷ đồng, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP với 397 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM với 333 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV - Tổng công ty xăng dầu Quân đội với 307 tỷ đồng…

Báo cáo cũng ghi nhận 4 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Cụ thể, đứng đầu là Công ty Cổ phần xăng dầu Tân Nhật Minh với âm 32,2 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty cổ phần (PV Oil) âm 22,4 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An âm 12,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Petro Bình Minh âm 4,1 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT