Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Giá xăng giảm lần đầu tiên sau 3 tháng, xuống dưới 25.000 đồng/lít

Hà Thị Lưu Luyến

Đúng như dự báo, tại kỳ điều hành ngày 2/10, giá xăng được điều chỉnh giảm mạnh từ 690-900 đồng/lít, qua đó xuống dưới mức 25.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu được giữ nguyên.

Trên cơ sở điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 16h hôm nay.

Theo đó, giá xăng E5 giảm 690 đồng/lít còn là 23.500 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 900 đồng/lít về còn là 24.840 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu diesel giữ nguyên ở mức 23.594 đồng/lít, giá dầu hỏa cũng giữ nguyên ở mức 23.820 đồng/lít. Dầu mazut giảm 395 đồng/kg xuống 17.450 đồng/kg.

Như vậy, sau 3 tháng, giá xăng đã có phiên giảm đầu tiên. Tính từ ngày 3/7, giá xăng đã tăng tới 7 lần, giữ nguyên 1 lần và giảm 1 lần.

gia-xang-giam-manh-xuong-duoi-25-000-dong-lit-tu-2-10-1696236677.jpg
Giá xăng giảm mạnh tại kỳ điều hành ngày 2/10. Ảnh minh họa

Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập, chỉ chi quỹ bình ổn đối với dầu diesel ở mức 285 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 110 đồng/lít.

Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 21/9, giá xăng E5 đã tăng mạnh 720 đồng/lít, giá bán là 24.190 đồng/lít. Xăng RON 95 tăng 870 đồng/lít, giá bán là 25.740 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 540 đồng/lít, giá bán là 23.590 đồng/lít.

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 2/10 có xu hướng hạ nhiệt sau khi tăng cao. Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h12' ngày 2/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 92,46 USD/thùng. Giá dầu WTI ở mức 91,05 USD/thùng.

Tuần qua, giá xăng dầu thế giới giảm nhẹ. Đây là tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Trong 5 phiên giao dịch của tuần qua, giá dầu tăng 2 phiên, giảm 2 phiên và 1 phiên đi ngang.

Đóng cửa tuần qua, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 92,2 USD/thùng. Còn giá dầu WTI kết tuần qua ở mức 90,79 USD/thùng.

Tính trong cả quý III năm nay, giá dầu thô đã tăng khoảng 30% do việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (còn gọi là OPEC+) làm giảm nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Hà Ly (t/h)