'Gồng' lỗ danh mục cổ phiếu niêm yết, Chứng khoán Apec vẫn báo lãi ròng quý II/2024 tăng 70%
Trong quý II/2024, Chứng khoán Apec đang "ôm" gần 448 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, lỗ tới 62% so với giá thị trường.
Công ty cổ phần Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Chứng khoán Apec, MCK: APS) công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với doanh thu hoạt động ở mức 155 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.
Trong đó, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đóng góp tới 95% tổng doanh thu với hơn 148 tỷ đồng. Khoản lỗ tài sản tài chính FVTPL giảm mạnh 45% về còn 113,5 tỷ đồng, qua đó, lợi nhuận tự doanh của APS quý này đạt 34,7 tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ.
Các mảng kinh doanh khác chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu như: Doanh thu môi giới gần 2 tỷ đồng, giảm 36%; lãi cho vay và phải thu đạt 4,3 tỷ đồng va tăng 21%.
Cùng với chi phí hoạt động được tiết giảm, Chứng khoán Apec báo lãi sau thuế tăng mạnh 70% so với cùng kỳ, đạt 27 tỷ đồng.
Tính chung hai quý đầu năm, APS đạt doanh thu hơn 179 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa doanh thu cùng kỳ. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế hơn 35 tỷ đồng cải thiện hơn nhiều so với kết quả lỗ 136 tỷ đồng cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/06/2024, tổng tài sản của Chứng khoán Apec đạt 828,4 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm.
Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm hơn 20% xuống còn gần 118 tỷ đồng; các khoản cho vay gần 160 tỷ đồng, tăng nhẹ 9%.
Công ty vẫn đang ghi khoản dự phòng suy giảm các khoản phải thu tới gần 178 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Khoản dự phòng này chủ yếu đến từ việc Công ty ghi nhận tạm ứng gần 170 tỷ đồng.
Danh mục tài sản tài chính FVTPL có giá thị trường 472 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm trong khi giá gốc là hơn 670 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu niêm yết chiếm gần 448 tỷ đồng và đang lỗ tới 62%, khoản lỗ chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu "họ" Apec như API, IDJ, CSC. Tuy nhiên trong quý II/2024 đã ghi nhận sự hồi phục của các mã cổ phiếu này. Ví dụ, API ghi nhận giá thị trường tăng từ 63 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng, IDJ tăng từ 103 tỷ đồng lên 110 tỷ đồng...
Chứng khoán Apec đã bán hết loạt cổ phiếu HAH, LAS, PTB, PTB, DTD, KHG, TCD… Ngược lại, công ty đầu tư gần 23 tỷ đồng vào một số cổ phiếu khác như: VSC, PCI, DVM, HAG, FIT, VRE, DIG, NBC, POW…
Bên kia bảng cân đối tài chính, tổng nợ phải trả của APS ghi nhận 12 tỷ đồng, giảm tới 43%. Công ty không sử dụng đòn bẩy tài chính, chỉ có khoản trái phiếu dài hạn hơn 4 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, ngày 17/7 vừa qua, Chứng khoán Apec có công văn về việc khắc phục tình trạng cổ phiếu vào diện cảnh báo và kiểm soát.
Theo đó, cổ phiếu APS bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo từ ngày 1/4/2024 về việc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là số âm và tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính đã dược kiểm toán của Công ty.
Đồng thời, cổ phiếu này bị đưa vào diện bị kiểm soát của HNX do lỗ ròng 2 năm 2022, 2023.
APS đã có biện pháp khắc phục vấn đề trên như sau: Trong năm 2024, Công ty đang thu hồi dần phần công nợ tạm ứng 172,2 tỷ. Công ty đã lên các phương án kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Trong đó, chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động tự doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như cắt giảm các chi phí tối đa. Kết quả lợi nhuận sau thuế quý II năm 2024 đạt 27 tỷ đồng.