Hình ảnh đầu tiên phiên xét xử giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát

TAND TPHCM bắt đầu xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát. Sáng nay, tòa thông báo xét xử vắng mặt 35.824 bị hại.

Sáng nay, TAND TPHCM bắt đầu xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

8h15, phiên tòa bắt đầu. Tòa thông báo xét xử vắng mặt đối với hơn 35.824 bị hại. Việc xét xử vắng mặt bị hại, đương sự theo quy định tại Điều 62, Điều 65, Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự và đảm bảo quyền, lợi ích của các bị hại, đương sự theo đúng quy định của pháp luật.

Bên trong sân tòa, khoảng 1.000 ghế ngồi, nhiều màn hình LED được chuẩn bị để các bị hại, người liên quan tới dự phiên tòa. Cũng theo thông báo, bị hại, người đương sự có thể theo dõi diễn biến phiên xử trên cổng thông tin của tòa.

Hình ảnh đầu tiên phiên xét xử giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Tiền phong

Trong số 34 bị cáo có bà Trương Mỹ Lan bị truy tố cả 3 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", theo quy định tại các Điều 174, 324, 189 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ở giai đoạn 1 của vụ án, bà Lan bị tòa (cấp sơ thẩm) tuyên án tử hình về 3 tội danh.

Bên cạnh đó, còn có 3 người khác cũng bị truy tố ba tội danh trên là Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula); Trịnh Quang Công (Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Acumen) và Trương Khánh Hoàng (nguyên quyền Tổng Giám đốc SCB).

Cháu gái bà Lan là Trương Huệ Vân bị cáo buộc tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ở giai đoạn 1 vụ án, bị cáo Vân bị tuyên phạt 17 năm tù về tội "Tham ô tài sản".

Hình ảnh đầu tiên phiên xét xử giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát- Ảnh 2.

Bị cáo Trương Huệ Vân. Ảnh: Vietnamnet

Ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) bị cáo buộc về tội Rửa tiền. Ông Cơ trong giai đoạn 1 của vụ án bị tuyên phạt 9 năm tù về tội "Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Hình ảnh đầu tiên phiên xét xử giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát- Ảnh 3.

Các bị cáo tại tòa sáng nay. Ảnh: Tiền phong

Cơ quan tố tụng đã xác định có 35.824 là bị hại trong vụ án và 534 tổ chức, cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Các bị hại trong vụ án được xét xử vắng mặt, song TAND TP.HCM "vẫn đảm bảo quyền và lợi ích cho các đương sự theo quy định của pháp luật".

Chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu

Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cáo trạng xác định, từ năm 2018 đến năm 2020, Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị can: Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB); Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB); Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc thuộc Ngân hàng SCB); Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI) và Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu "khống", với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp).

Tổng số tiền thu về hơn 30.869 tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu. Qua đó, bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng của 35.824 bị hại.

Đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng, cơ quan tố tụng xác định đây là khoản tiền bà Lan cùng đồng phạm chiếm đoạt.

Trước ngày xét xử, bà Lan đề nghị nhiều khoản tiền đã được cơ quan tố tụng thu hồi trong cả giai đoạn một và giai đoạn hai của vụ án có thể được ưu tiên dùng để khắc phục thiệt hại cho các trái chủ.

Cụ thể, tính đến ngày 8/7, gia đình bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp hơn 386 tỷ đồng; bản án sơ thẩm của TAND TP HCM đã buộc các tổ chức, cá nhân nộp lại hoặc hoàn trả cho bà Lan các tài sản, tiền mặt giá trị khoảng 21.000 tỷ đồng. Cùng với đó là tài sản của bà Lan hoặc có liên quan đến bà Lan bị kê biên, phong tỏa với giá trị quy đổi là hơn 12.300 tỷ đồng.

Vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới

Đối với tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, cơ quan tố tụng cũng xác định được trong khoảng thời gian từ năm 2012-2020, 23 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thực hiện chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam trái quy định với tổng số tiền là 4,5 tỷ USD, tương đương hơn 106.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền chuyển ra nước ngoài là 1,5 tỷ USD, tiền nhận từ nước ngoài là 3 tỷ USD.

Đối với tội Rửa tiền, cơ quan điều tra cáo buộc Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã cùng nhau "rửa" 445.747 tỷ đồng (trong đó có 415.666 tỷ đồng từ nguồn tiền phạm tội Tham ô tài sản của SCB và 30.081 tỷ đồng từ nguồn tiền do phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT