Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Kinh doanh dưới giá vốn, Năm Bảy Bảy thoát lỗ quý III nhờ doanh thu tài chính

Hà Thị Lưu Luyến

Dù kinh doanh dưới giá vốn nhưng Năm Bảy Bảy vẫn ghi nhận lãi ròng quý III/2023 gần 159 triệu đồng, giảm 47,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giúp NBB thoát lỗ là nhờ doanh thu tài chính đột biến.

CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB - sàn HoSE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với nhiều chỉ tiêu suy giảm mạnh.

Cụ thể, NBB ghi nhận doanh thu đạt 17 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế chỉ gần 159 triệu đồng, giảm 47,6% so với cùng kỳ. Đáng nói, công ty kinh doanh dưới giá vốn trong quý III dẫn tới lợi nhuận gộp âm 453 triệu đồng trong khi cùng kỳ lãi 68,5 tỷ đồng.

Theo giải trình, hiện nay các dự án của công ty đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và bổ sung các thủ tục pháp lý. Cùng với sự khó khăn chung của ngành bất động sản nên hoạt động kinh doanh của NBB bị ảnh hưởng đáng kể dẫn đến doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 65,8%, lên 64,8 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 37,7%, về 53,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 28,5%, tương ứng giảm 1,37 tỷ đồng, về 3,4 tỷ đồng.

kinh-doanh-duoi-gia-von-nam-bay-bay-thoat-lo-quy-iii-nho-doanh-thu-tai-chinh-1698293629.png
Cơ cấu doanh thu tài chính trong quý III của NBB

Có thể thấy, Năm Bảy Bảy thoát lỗ trong quý III nhờ doanh thu tài chính đột biến, chủ yếu do ghi nhận 63,6 tỷ đồng doanh thu từ hợp tác đầu tư.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 210,7 tỷ đồng, giảm 27,4% so với cùng kỳ và lãi ròng 608 triệu đồng, giảm 71% so với cùng kỳ.

Được biết, trong năm 2023, Năm Bảy Bảy đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 800 tỷ đồng, tăng 71,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 20,5 tỷ đồng, tăng 241,7% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, công ty mới hoàn thành 3% so với kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản tăng 7,4% so với đầu năm, lên 6.859 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chỉ chiếm 2.761 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho 1.586 tỷ đồng, chiếm 23,1% tổng tài sản và tăng 17,1% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn 999 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng tài sản.

Hai dự án có tồn kho lớn nhất của NBB là dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi tăng 13% so với đầu năm, lên 628,1 tỷ đồng và dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư Delagi tăng 13,5% so với đầu năm, lên 809,5 tỷ đồng.

Tài sản dài hạn chiếm tới 4.098 tỷ đồng trong đó, các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 2.030 tỷ đồng, chiếm 29,6% tổng tài sản và tăng 27,9% so với đầu năm. Mục này chủ yếu 2.007 tỷ đồng liên quan tới hợp tác đầu tư gồm: 1.150 tỷ đồng hợp tác với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII – sàn HoSE) về việc đầu tư kinh doanh phân chia lợi nhuận từ Cao ốc 152 Điện Biên Phủ (TP. HCM) và 857,49 tỷ đồng hợp tác với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM để đầu tư dự án Xa Lộ Hà Nội.

Về phần nguồn vốn, tổng vay nợ tài chính tăng 13,3% so với đầu năm, lên 3.546 tỷ đồng và chiếm 51,7% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 708,7 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 2.837,7 tỷ đồng.

Hà Ly (t/h)