Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Kinh doanh thua lỗ và cách Tập đoàn R&H thu xếp nghìn tỷ trả nợ trái phiếu

Phạm Thị Tâm

Tập đoàn R&H huy động hơn 8.000 tỷ từ kênh trái phiếu để đầu tư, hợp tác kinh doanh. Song Tập đoàn của ông Trương Quang Minh ghi nhận thua lỗ gần 381 tỷ đồng. Với áp lực đáo hạn trái phiếu, Tập đoàn đã lập ra loạt công ty con rồi bán lại cho Vinahud để có hàng nghìn tỷ đồng trả nợ trái phiếu.

kinh-doanh-thua-lo-va-cach-tap-doan-randh-thu-xep-nghin-ty-tra-no-trai-phieu-antt-1691230860.JPG
Tập đoàn R&H huy động hơn 8.000 tỷ từ kênh trái phiếu để đầu tư, hợp tác kinh doanh. Ảnh minh họa

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 của CTCP Tập đoàn R&H.

Theo đó, tính đến 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn R&H ở mức 1.505,6 tỷ đồng, giảm 564,3 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021. Trong khi nợ phải trả của Tập đoàn này tăng mạnh từ 4.469,5 tỷ lên hơn 10.898 tỷ đồng (gấp 2,44 lần).

Nợ phải trả của Tập đoàn R&H chủ yếu đến từ việc phát hành trái phiếu riêng lẻ với 7.500 tỷ đồng và 2.963,9 tỷ đồng từ nợ phải trả khác. Còn nợ vay ngân hàng của tập đoàn khá thấp, chỉ ở mức 434,3 tỷ đồng.

Kết thúc năm tài chính 2022, Tập đoàn R&H ghi nhận lỗ sau thuế gần 381 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 848 triệu đồng.

Tập đoàn R&H được thành lập vào tháng 8/2019 với vốn điều lệ ban đầu ở mức 999 tỷ đồng, trong đó ông Trương Quang Minh (1975) nắm giữ tỷ lệ 70%, đồng thời đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc.

Hiện nay, vị trí Tổng giám đốc/ người đại diện pháp luật của Tập đoàn được giao cho ông Nguyễn Minh Tuấn đảm nhiệm. Ông Tuấn cũng là Tổng giám đốc của Vinahud – công ty mà Tập đoàn R&H là cổ đông lớn và cũng giúp tập đoàn này thu xếp cả nghìn tỷ trong thời điểm “giáp hạt” 3 lô trái phiếu trị giá 2.500 tỷ.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 và đầu năm 2022, Tập đoàn R&H phát hành 7 lô trái phiếu với tổng trị giá hơn 8.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này có thời hạn 12, 18 và 36 tháng.

Trong tháng 4 và 5/2023, Tập đoàn R&H có 3 lô trái phiếu đến hạn với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng.

Áp lực là vậy, Tập đoàn của ông Trương Quang Minh vẫn bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để lập hàng loạt công ty con như: Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng, Công ty TNHH Bến Bình Thanh, CTCP Tây Bắc Thăng Long, Công ty TNHH Mê Linh Star trong giai đoạn đầu năm 2023. Và chính những công ty này nhanh chóng giúp Tập đoàn R&H thu về những nguồn tiền để trả nợ trái phiếu.

Đầu tiên là Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng. Công ty này mới chỉ được thành lập vào tháng 3/2023 với vốn điều lệ 659,6 tỷ đồng. Tổng giám đốc/ kiêm người đại diện pháp luật của Mê Linh Thịnh Vượng là ông Nguyễn Minh Tuấn.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Vinahud đã thông qua Tờ trình giao dịch nhận chuyển nhượng phần góp vốn tại Mê Linh Thịnh Vượng. Theo đó, Vinahud sẽ mua lại toàn bộ phần vốn góp 659,6 tỷ đồng, chiếm 100% vốn điều lệ tại Mê Linh Thịnh Vượng từ Tập đoàn R&H Group với giá trị nhận chuyển nhượng là 950 tỷ đồng.

Để có tiền thanh toán cho Tập đoàn R&H, Vinahud đã vay TPBank 760 tỷ đồng và nhanh chóng được giải ngân ngay trong tháng 4/2023.

Ngoài ra, Vinahud còn cho Tập đoàn R&H vay thêm 663 tỷ đồng (gần gấp 2 lần vốn điều lệ của công ty).

Cần phải biết rằng, chỉ trong 40 ngày, TPBank đã cấp tín dụng 1.710 tỷ đồng cho Vinahud để mua công ty con của Tập đoàn R&H và góp vốn vào công ty khác. Vì sao TPBank lại gấp rút “cấp” vốn cho Vinahud như vậy? Nên nhớ, Chứng khoán Tiên Phong và TPBank chính là bên thu xếp cho các đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn R&H.

Một thương vụ khác của Tập đoàn R&H là chuyển nhượng Công ty TNHH Bến Bình Thanh. Doanh nghiệp này cũng mới được thành lập vào tháng 1/2023, với vốn điều lệ hơn 221 tỷ đồng và người đại diện pháp luật cũng là ông Nguyễn Minh Tuấn.

Chỉ 15 ngày sau khi thành lập, chức vụ Tổng giám đốc của ông Nguyễn Minh Tuấn tại Bến Bình Thanh được chuyển giao cho ông Ngô Minh Tâm – Trưởng ban kiểm soát Vinahud.

Dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, ngày 14/3/2023, chủ sở hữu tại Bến Bình Thanh đã thay đổi, người đại diện 100% tỷ lệ sở hữu của công ty lúc này là ông Nguyễn Anh Tuấn (SN 1983).

Cái tên Nguyễn Anh Tuấn không mấy xa lạ với Vinahud của Chủ tịch Trương Quang Minh.

Vị doanh nhân SN 1983 là đại diện pháp luật của CTCP nội thất TPA Decor – một đối tác quen thuộc của Vinahud. Ngoài ra, ông Tuấn còn là cổ đông của CTCP Beru Group – chủ đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng ParaHills Hòa Bình tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Không những vậy, ông Tuấn còn là Tổng giám đốc CTCP đầu tư và sản xuất Emir Door – một công ty con của CTCP Tập đoàn đầu tư Emir.

Tập đoàn Emir là cái tên không xa lạ với Vinahud. Cụ thể, tháng 10/2022, công ty của Chủ tịch Trương Quang Minh đã bảo lãnh không hủy ngang cho các nghĩa vụ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải để đảm bảo quyền lợi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Emir tại hợp đồng đặt mua bất động sản ký giữa Emir và Xuân Phú Hải với tổng hạn mức bảo lãnh là 300 tỷ đồng.

Tập đoàn Emir được thành lập từ năm 2009 với tên gọi ban đầu là CTCP đầu tư và phát triển công nghệ trí tuệ Việt. Tháng 8/2022, công ty này bất ngờ tăng vốn điều lê từ 9,5 tỷ đồng lên 999 tỷ đồng, Tổng giám đốc lúc này là ông Nguyễn Hồng Kiên, cố vấn cao cấp là ông Lê Long Giang.

Ngày 11/4/2023, Tập đoàn Emir giảm vốn điều về 9,5 tỷ đồng và thay đổi người đại diện pháp luật sang bà Phạm Thị Diệp. Để rồi 3 ngày sau đó (ngày 14/4/2023), Tập đoàn này lại nâng vốn điều lệ lên 250 tỷ đồng và ông Nguyễn Hồng Kiên trở lại vị trí Tổng giám đốc.

Dữ liệu từ HNX cho thấy, hiện nay Tập đoàn R&H chỉ cong 3 lô trái phiếu đang lưu hành với giá trị phát hành hơn 5.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này sẽ đáo hạn vào tháng 12/2024.

Giang Nam