Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Loạt doanh nhân nhóm Đông Âu: Ngô Chí Dũng- Đi lên từ mỳ gói và khát vọng 'Việt Nam thịnh vượng'

Phạm Thị Tâm

Trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT VPBank, doanh nhân Ngô Chí Dũng từng bắt tay với Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ, khởi nghiệp với mỳ gói và xây dựng lên "đế chế mỳ tôm", chiếm lĩnh lượng lớn thị phần mỳ gói tại Nga.

“Cặp bài trùng” Ngô Chí Dũng- Đặng Khắc Vỹ

Ông Ngô Chí Dũng sinh ngày 25/9/1968 tại Hà Nội. Ông Dũng là Tiến sĩ Kinh tế thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược chính trị kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga (2002). Đồng thời, ông còn là Kỹ sư Địa chất của Đại học Thăm dò địa chất Matxcova (Nga).

Năm 1986, ông Dũng sang Liên Xô du học. Trong khoảng thời gian từ 1992-1996, ông vừa học tập vừa tập kinh doanh tại thủ đô Matxcơva.

loat-doanh-nhan-nhom-dong-au-ngo-chi-dung-di-len-tu-my-goi-va-khat-vong-viet-nam-thinh-vuong-antt-1695469758.JPG
Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng.

Cũng giống như các doanh nhân đình đám Việt Nam trong nhóm Đông Âu, nếu như "cặp bài trùng” Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) và Lê Viết Nam (Chủ tịch Sun Group) gây dựng lên “đế chế mỳ tôm” tại Ukraine; hai doanh nhân Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan) và Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) cùng kinh doanh mì gói tại Nga thì ông Ngô Chí Dũng bắt tay với doanh nhân Đặng Khắc Vỹ (Chủ tịch HĐQT VIB) khởi nghiệp cũng bằng mặt hàng mỳ gói.

Công ty Rollton của ông Đặng Khắc Vỹ và Ngô Chí Dũng nhanh chóng chiếm được lượng lớn thị phần mỳ gói tại Nga. Không chỉ vậy, nhờ có tiềm lực kinh tế mạnh từ mỳ, Rollton còn khai thác thêm sản phẩm dầu cọ từ Malaysia và cũng vô cùng thành công.

Gây dựng nền tảng và tiềm lực ban đầu nơi xứ người, ông Dũng quyết định từ bỏ thị trường Đông Âu và rót vốn vào đầu tư một số kênh tiềm năng như bất động sản, ngân hàng,...

"Cặp bài trùng" Đặng Khắc Vỹ - Ngô Chí Dũng tiếp tục đồng hành khi cùng sáng lập Ngân hàng Quốc tế VIB. Tuy nhiên, đến năm 2006, ông Ngô Chí Dũng rời VIB và trở thành Phó Chủ tịch Techcombank.

Đến năm 2010, ông đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ông Dũng cũng từng là Chủ tịch Hội người Việt tại Liên bang Nga. Tuy nhiên, sau khi trở thành ông chủ của VPBank, ông Dũng xin từ nhiệm vị trí này với lý do là vì đã chuyển về Việt Nam sinh sống, làm việcvà muốn tập trung toàn lực vào tái cấu trúc, xây dựng ngân hàng này.

Khát vọng "Việt Nam Thịnh Vượng"

Mặc dù là nhà sáng lập, thành viên HĐQT của VIB; Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank nhưng chỉ khi trở thành Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng mới thực sự có "vùng trời" riêng của mình, dẫn dắt "ngân hàng màu xanh lá" có những bước phát triển vượt trội.

Ngồi "ghế nóng" tại VPBank, việc đầu tiên ông Dũng làm là cho đổi tên Ngân hàng TMCP các doanh nghiệp ngoài Quốc Doanh Việt Nam sang thành Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, thay đổi bảng hiệu, logo hướng tới một tổ chức bán lẻ cung cấp dịch vụ chất lượng cao, với mục tiêu đưa VPBank thành Ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam.

Dấu ấn đầu tiên của ông Dũng là phát hành thành công 154 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào tháng 11/2010 với giá 14.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.400 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng.

Thay vì cho vay bất động sản như hầu hết các ngân hàng khác, VPBank lựa chọn tập trung vào bán lẻ với các phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, tiểu thương. Trên thực tế, ở thời điểm đó, cả nước chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp cỡ lớn trong khi lại có quá nhiều ngân hàng nhắm đến. Thế nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam. Nhận thấy đây là phân khúc giàu tiềm năng, ít cạnh tranh, năm 2013, VPBank trở thành là ngân hàng đầu tiên thành lập một đơn vị chuyên trách thiết kế sản phẩm và chăm sóc cho nhóm đối tượng này.

Thành công tiếp theo của ông Dũng phải kể đến là việc quyết định kinh doanh các hoạt động rủi ro cao, cụ thể là cho vay tiêu dùng với thương hiệu FE Credit. Rủi ro cao mang lại lợi nhuận cao, FE Credit trở thành "con gà đẻ trứng vàng", mang lại phần lớn lợi nhuận cho VPBank.

Tuy nhiên, tháng 10/2021, VPBank và Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF)- công ty con thuộc tập đoàn tài chính SMBC Group Nhật Bản đã hoàn tất việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại FE Credit.

Đại diện VPBank cho biết, đây là bước đệm để hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn điều lệ của ngân hàng trong năm 2022 đã được ĐHĐCĐ thông qua hồi tháng 4/2021. Theo kế hoạch này, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng lên 75.000 tỷ đồng trong năm 2022, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Nhờ định hướng đúng đắn từ người đứng đầu và những nỗ lực thích nghi với biến động của thị trường, VPBank luôn nằm trong top các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Không chỉ là người dẫn dắt VPBank, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cùng người có liên quan còn sở hữu lượng lớn cổ phiếu VPB. Theo Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023, tính đến ngày 30/6/2023, ông Ngô Chí Dũng đang sở hữu hơn 328,55 triệu cổ phiếu VPB, tương ứng tỷ lệ 4,872%. Ngoài ra, người nhà ông Dũng đang nắm giữ 715,5 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 10,612% vốn ngân hàng.

Bạch Hiền