Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lên kế hoạch lãi 'đi lùi' tới 87% trong năm 2024, muốn tăng vốn lên 50.000 tỷ đồng

Năm 2024, BSR lên kế hoạch tổng doanh thu đạt hơn 95.274 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 1.148 tỷ đồng, lần lượt giảm mạnh 37% và 87% so với kết quả thực hiện năm 2023.

loc-hoa-dau-binh-son-bsr-muon-tang-von-len-50000-ty-dong-antt-1716453176.jpg
Năm 2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn lên kế hoạch lãi sau thuế trên 1.148 tỷ đồng, giảm 87% so với thực hiện năm 2023. Ảnh minh hoạ.

Ngày 23/5, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (MCK: BSR) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu hơn 95.274 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 1.148 tỷ đồng, lần lượt giảm mạnh 37% và 87% so với kết quả thực hiện năm 2023.

Riêng công ty mẹ đặt kế hoạch doanh thu 95.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.279 tỷ đồng. Chính sách cổ tức dự kiến là 3% trên vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng. Các kế hoạch dựa trên giả định giá dầu 70USD/thùng.

Về chỉ tiêu sản xuất, tổng sản lượng xăng dầu và thành phẩm các loại là gần 5,73 triệu tấn và sản lượng tiêu thụ ở mức 5,66 triệu tấn, tương ứng giảm hơn 22% và 23% so với năm ngoái. Các sản phẩm chính của nhà máy vẫn là Xăng RON 95 và Dầu Diesel.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, Đại hội nhất trí phương án chia cổ tức 7% (tương đương 700 đồng/cổ phiếu), tương đương với số tiền 2.170 tỷ đồng.

Công ty giữ lại lợi nhuận sau thuế chưa phân phối số tiền 11.496 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ dưới hình thức chia cổ tức, tùy thuộc vào phương án thu xếp vốn thực tế cho dự án mở rộng NMLD Dung Quất chiến lược phát triển công ty và tình hình sản xuất kinh doanh trong các năm tiếp theo.

Hiện BSR đang báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ của BSR từ 31.000 lên 50.000 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu. Sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ, BSR đảm bảo đủ nguồn vốn chủ từ 40-60% tổng mức đầu tư của dự án này. Phần vốn vay (dự kiến khoảng 40-60%) sẽ được thu xếp từ nguồn vay ECA, thương mại trong nước và quốc tế, trái phiếu xanh cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác.

Như vậy, nhu cầu VCSH cho Dự án NCMR NMLD Dung Quất theo Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Dự án (chưa bao gồm các dự án mua sắm tài sản cố định và đầu tư khác) là 21.838-29.112 tỷ đồng tùy thuộc vào khả năng thu xếp vốn vay. Ngoài ra, theo Chiến lược phát triển đến năm 2030, thì nhu cầu VCSH đầu tư cho các dự án khác và mua sắm tài sản cố định khoảng 4.023 tỷ đồng.

Một vấn đề đáng chú ý khác, BSR cho biết sẽ tiếp tục triển khai việc chuyển 3,1 tỷ cổ phiếu (PetroVietnam nắm gần 2,9 tỷ cổ phiếu) từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HoSE khi có đủ điều kiện. Dự kiến hoạt động này sẽ được thực hiện trong năm nay. Việc chuyển niêm yết sang HoSE được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch, tăng thanh khoản cũng như giá cổ phiếu và khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn​​ và tiềm năng thu hút vốn.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về lộ trình thoái vốn của PVN tại BSR, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Hội cho hay, tỷ lệ sở hữu của PVN theo các quyết định của Nhà nước là trên 50% (hiện hơn 92%). Thời điểm cổ phần hóa, BSR có tìm nhà đầu tư chiến lược, thậm chí có thời điểm gặp nhà đầu tư Nga và sắp chốt hợp đồng, nhưng sau đó bị ảnh hưởng bởi địa chính trị nên việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược chưa thực hiện được.

Đến 2020 xuất hiện dịch Covid-19, BSR đã nhận được nhiều chỉ đạo là đơn vị chủ chốt góp phần ổn định năng lượng xăng dầu cho quốc gia, có yêu cầu giữ nguyên tỷ lệ chi phối của Nhà nước. Do vậy, đến 2025, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ vẫn giữ nguyên trên 92%.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT