'Ma trận' quảng cáo bất động sản: Người tiêu dùng cần tỉnh táo
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo người dân một số nội dung quan trọng liên quan "ma trận” quảng cáo bất động sản.
"Ma trận" quảng cáo bất động sản
Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương), trong bối cảnh thị trường bất động sản phát triển mạnh, quảng cáo bất động sản bùng nổ trên mọi kênh: từ biển bảng, báo chí, truyền hình, đến mạng xã hội, livestream, video review, Google Ads, Facebook Ads.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng dễ bị cuốn vào "ma trận" quảng cáo là bởi cách thức truyền thông ngày càng tinh vi. Những câu giới thiệu dự án thường nhấn mạnh vào yếu tố cảm xúc, đánh vào tâm lý "sở hữu ngay - hưởng thụ liền" hoặc "đầu tư sinh lời siêu tốc".
Dưới đây là một số ví dụ điển hình được ghi nhận trên các nền tảng mạng xã hội và website rao bán:
"Sống chuẩn resort ngay giữa lòng thành phố - chỉ từ 999 triệu đồng, thanh toán linh hoạt!"
"Đặt cọc hôm nay, nhận ngay suất lợi nhuận 20% sau 6 tháng!"
"Căn hộ view hồ bơi vô cực, đẳng cấp 5 sao, cam kết bàn giao đúng tiến độ!"
"Đầu tư ngay, chỉ cần 0 đồng vốn tự có - ngân hàng hỗ trợ vay đến 90% giá trị căn hộ!"
"Khu đô thị xanh chuẩn Singapore, tiện ích ngập tràn: trường học quốc tế, trung tâm thương mại, hồ cảnh quan trong mơ!"
"Chỉ 50 triệu giữ chỗ, cơ hội vàng sở hữu căn hộ trung tâm - số lượng có hạn!"
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều quảng cáo chứa thông tin sai lệch, phóng đại tiện ích, cam kết lợi nhuận phi thực tế, khiến người tiêu dùng dễ rơi vào "bẫy" kỳ vọng. Khi phát hiện sự khác biệt giữa quảng cáo và hợp đồng, nhiều người đã mất hàng trăm triệu đồng tiền đặt cọc mà không thể đòi lại.
Một trong những hình thức quảng cáo sai lệch phổ biến hiện nay là việc chủ đầu tư đưa ra thông tin về các tiện ích không có thực trong dự án. Các tiện ích như hồ bơi, khu vui chơi trẻ em, khu thể thao hoặc công viên thường xuyên được quảng cáo với những hình ảnh và thông tin mang tính hấp dẫn, nhằm thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, khi người tiêu dùng ký kết hợp đồng mua bán, họ phát hiện rằng những tiện ích này không có hoặc không được xây dựng như quảng cáo. Điều này dẫn đến sự khác biệt giữa thông tin quảng cáo và nội dung trong hợp đồng, khiến người tiêu dùng cảm thấy bị lừa dối khi nhận ra rằng những tiện ích này không hiện diện trong thực tế.

Ảnh minh họa
Các hành vi quảng cáo sai lệch, không minh bạch không chỉ đến từ chủ đầu tư mà còn có thể đến từ những kênh đại lý và nhân viên môi giới bất động sản. Cùng một dự án, người mua có thể nhận được hàng chục thông tin khác nhau, tùy thuộc vào môi giới hay đại lý tiếp cận.
Trong nhiều trường hợp, các đại lý và nhân viên môi giới bất động sản có thể đăng tải thông tin không chính xác về tiện ích của dự án chỉ để thu hút người mua, từ đó kiếm hoa hồng từ việc chốt giao dịch. Những hành vi này thường không bị kiểm soát chặt chẽ và khiến người tiêu dùng khó phân biệt giữa thông tin quảng cáo từ chủ đầu tư và từ các kênh trung gian.
Cần cẩn trọng khi giao dịch bất động sản
Theo Ủy ban cạnh tranh quốc gia, hành vi quảng cáo sai lệch, không minh bạch về các tiện ích và đặc điểm của dự án không chỉ làm mất niềm tin của người tiêu dùng mà còn có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý không nhỏ cho các chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, các khiếu nại từ người tiêu dùng về việc không nhận được những tiện ích đã được quảng cáo có thể ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, làm giảm khả năng bán hàng trong tương lai và thậm chí có thể dẫn đến việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể gặp phải những khó khăn trong việc yêu cầu giải quyết tranh chấp nếu không có sự minh bạch và rõ ràng trong các điều khoản hợp đồng. Việc thiếu thông tin chính xác có thể khiến người tiêu dùng không thể yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các cam kết đã đưa ra trong các chiến dịch quảng cáo.
Trước thực trạng phản ánh của người dân về các quảng cáo mang tính chất sai lệch và thiếu minh bạch trong thị trường bất động sản, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ hợp đồng, yêu cầu đưa đầy đủ nội dung quảng cáo vào thỏa thuận có giá trị pháp lý và tránh tin tưởng tuyệt đối vào hình ảnh minh họa không có giá trị pháp lý.
Người dân nên giao dịch trực tiếp với chủ đầu tư hoặc các đại lý được ủy quyền chính thức, có hợp đồng phân phối rõ ràng và đầy đủ thông tin pháp lý. Hạn chế tối đa việc giao dịch thông qua cá nhân môi giới không có giấy ủy quyền hợp pháp, nhằm tránh rủi ro trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Yêu cầu chủ đầu tư minh bạch thông tin về các tiện ích, dịch vụ của dự án, đồng thời đảm bảo những thông tin này được ghi đầy đủ trong hợp đồng mua bán.
Trước khi đặt cọc/ ký kết hợp đồng, người tiêu dùng cần yêu cầu cung cấp dự thảo hợp đồng mua bán để xem xét kỹ lưỡng từng điều khoản, đặc biệt là các điều khoản về tiện ích, dịch vụ, và các cam kết của chủ đầu tư. Nếu có bất kỳ điều khoản nào không rõ ràng hoặc mơ hồ, người tiêu dùng nên yêu cầu chủ đầu tư giải thích và làm rõ.
PV