Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nhựa Bình Minh đạt lợi nhuận kỷ lục, cổ phiếu liên tiếp thăng hoa

Vũ Ngọc Quỳnh

Nhờ giá đầu vào PVC giảm mạnh trong khi giá bán của Nhựa Bình Minh không giảm tương ứng, giúp biên lãi gộp của công ty tiếp tục được nới rộng. Quý II/2023, Nhựa Bình Minh báo lãi cao kỷ lục, gần chạm mốc 300 tỷ đồng.

nhua-binh-minh-dat-loi-nhuan-ky-luc-co-phieu-lien-tiep-thang-hoa-antt-1689832738.jpg
Nhựa Bình Minh đạt lợi nhuận kỷ lục, cổ phiếu liên tiếp thăng hoa

CTCP Nhựa Bình Minh (MCK: BMP) công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần suy giảm 14% so cùng kỳ, về mức 1.336 tỷ đồng. Tuy nhiên tốc độ giảm của giá vốn mạnh hơn tới 34% nên lợi nhuận gộp đạt 573 tỷ đồng, tăng vọt 46% so cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cải thiện mạnh từ mức 25% của cùng kỳ lên tới 43%.

Thêm vào đó, doanh thu tài chính gấp 2,8 lần khi đạt 34 tỷ đồng. Sau cùng, Nhựa Bình Minh ghi nhận lãi ròng 295 tỷ đồng trong quý II/2023, gấp đôi cùng kỳ 2022 và cao nhất từ trước tới nay tính theo quý. Đây là mức kỷ lục mới về lợi nhuận quý của BMP, sau khi thành công ty con của The Nawaplastic Industries, thành viên Tập đoàn SCG (Thái Lan),vào đầu năm 2018.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Nhựa Bình Minh ghi nhận giảm 4% về mức 2.776 tỷ đồng. Nhờ giá vốn giảm mạnh, doanh nghiệp đầu ngành nhựa báo lãi ròng 575 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện 88% kế hoạch lãi sau thuế sau 6 tháng.

Trước đó, Chứng khoán Agribank cũng kỳ vọng lợi nhuận quý II/2023 của Nhựa Bình Minh duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ giá hạt nhựa PVC đầu vào tiếp tục trong xu hướng giảm và đang ở mức thấp hơn khoảng 27% so với cùng kỳ.

Đồng thời, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ có thể dần thẩm thấu và giúp cho thị trường bất động sản ấm trở lại, qua đó giúp cải thiện nhu cầu đầu ra đối với các sản phẩm của BMP.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của Nhựa Bình Minh tăng gần 500 tỷ so với đầu năm, đạt 3.526 tỷ đồng. Trong đó lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng cũng vọt lên chiếm gần 60% tài sản, tương đương 2.052 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm 22% xuống 450 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả ở mức 770 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 750 tỷ đồng, gần gấp đôi hồi đầu năm. Trong đó, phần tăng chủ yếu đến từ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả người bán ngắn hạn. Nợ vay và thuê tài chính rất thấp, ở mức 55 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu BMP phản ứng hưng phấn trước thông tin lợi nhuận khả quan khi bật trần để chạm mốc trăm ngàn với 103.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên sáng 20/7, ghi nhận mức tăng vọt 63% chỉ trong vòng 3 tháng qua.