Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Những sự kiện nổi bật của ngành Thuế Việt Nam trong năm 2023

Phạm Thị Tâm

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị; sự chủ động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành những quyết sách đúng đắn trong việc hỗ trợ mạnh cho sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, công tác thuế năm 2023 đã đạt được những kết quả quan trọng.

Hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023

Năm 2023, ngành Thuế triển khai nhiệm vụ, công tác thuế trong tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết quốc gia và khu vực trên phạm vi toàn cầu. Trong nước, nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI sụt giảm, không ít DN rơi vào thế bị động, hàng ngàn DN phải rời khỏi thị trường

Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, ngay từ những ngày đầu năm, Tổng cục Thuế đã triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm và 22 nhóm giải pháp đã đề ra tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2022.

Bên cạnh nỗ lực của cộng đồng DN trong sản xuất kinh doanh, với sự chủ động, linh hoạt và quyết tâm của toàn ngành Thuế, kết quả tổng thu ngân sách năm 2023 do cơ quan thuế quản lý đến thời điểm ngày 20/12/2023 đạt 1.396.430 tỷ đồng, đạt 101,7% dự toán. Theo đó tổng số thu năm 2023 ước đạt và vượt mức chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao khoảng 5,5% dự toán, bằng 95,4% so với thực hiện năm 2022.

nhung-su-kien-noi-bat-cua-nganh-thue-viet-nam-trong-nam-2023-antt-1706937197.PNG
Công tác thuế năm 2023 đã đạt được những kết quả quan trọng. Ảnh minh họa: Tổng cục Thuế

Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, tạo mức độ tin tưởng giữa các Tập đoàn đa quốc gia trong việc tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế chủ trì nghiên cứu đánh giá tác động và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Ngày 29/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).

Đây là một bước đi cần thiết và với việc áp dụng từ ngày 01/01/2024, Việt Nam khẳng định vị thế và quyền đánh thuế của quốc gia, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế và đưa hệ thống thuế theo sát với thông lệ quốc tế.

Theo đó, Việt Nam sẽ áp dụng 2 quy định: Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu IIR áp dụng đối với các Tập đoàn của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và Quy định thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn QDMTT áp dụng đối với các Tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Số thu ngân sách tăng mạnh trong lĩnh vực TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số

Ngành Thuế tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT và các NCCNN. Thống kê đến nay, đã có 74 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng TTĐT dành cho NCCNN. Tổng số thuế các NCCNN đã nộp là 8.096 tỷ đồng, trong đó đã có 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua qua Cổng TTĐT và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.

Đối với Cổng thông tin TMĐT, tính đến cuối năm 2023, đã ghi nhận 357 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin. Số thuế kê khai của các DN và cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT trong năm 2023 đã tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, số thu từ TMĐT đối với các tổ chức, cá nhân trong nước đạt 536,5 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 DN và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, với số tiền khoảng 275 tỷ đồng. Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý thuế, năm 2024, Tổng cục Thuế tiếp tục hướng dẫn thống nhất việc tiếp nhận và xử lý thông tin từ các sàn giao dịch TMĐT trong nước.

Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện

Năm 2023 đánh dấu bước tiến dài trong tiến trình chuyển đổi số công tác quản lý thuế, như: Triển khai Bản đồ số hộ kinh doanh; Vận hành hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý HĐĐT dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống gian lận trong hoàn thuế, phát hiện nhanh các trường hợp gian lận; Triển khai số hóa công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số và triển khai mở rộng chương trình HĐĐT từ máy tính tiền, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Với việc lựa chọn 19 ứng dụng do các Cục Thuế tự nghiên cứu xây dựng phát triển, ngành Thuế đã cho thấy công tác ứng dụng CNTT vào công tác quản lý là bước cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi số toàn diện của Bộ Tài chính và của Chính phủ.

Khai thác hiệu quả Hệ thống HĐĐT chống mua bán hóa đơn, áp dụng quản lý rủi ro nâng cao hiệu quả chống thất thu NSNN

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý chống thất thu NSNN, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu ban hành các quy định, trình quản lý thuế theo cơ chế rủi ro. Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-TCT ngày 12/01/2023 về Quy trình áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế; Quyết định số 86/QĐ-TCT ngày 08/02/2023 về Quy trình thu thập, khai thác thông tin phục vụ quản lý rủi ro; Quyết định số 575/QĐ-TCT ngày 10/5/2023 về Quy trình áp dụng QLRR đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn.

Với việc ban hành đồng bộ các cơ chế quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả chống thất thu NSNN, Tổng cục Thuế đã tiến một bước dài trong công tác quản lý rủi ro đối với tổ chức, DN và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.

Bạch Hiền