Nợ hơn 2.000 tỷ đồng trái phiếu, công ty con của WTO kinh doanh ra sao?

Bán niên 2024, Năng lượng Hồng Phong 1- công ty con của WTO, báo lãi ròng hơn 111,6 tỷ đồng, tăng 64,45% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty con của WTO "gánh" nợ trái phiếu hơn 2.000 tỷ đồng

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã đăng tải văn bản của Công ty CP Năng lượng Hồng Phong 1 công bố các chỉ tiêu tài chính cơ bản trong kỳ báo cáo từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/6/2024.

Theo đó, trong nửa đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp là hơn 111,6 tỷ đồng, tăng 64,45% so với khoản lãi ròng hơn 70,9 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết ngày 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của Năng lượng Hồng Phong 1 ở mức 1.202,8 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 3,5 lần lên 3,88 lần; tương ứng nợ phải trả tại thời điểm cuối quý II/2024 là gần 4.667 tỷ đồng; trong đó, dư nợ trái phiếu là 2.189 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm 2024, Năng lượng Hồng Phong 1 đã mua lại 40 tỷ đồng tiền gốc và thanh toán gần 2,6 tỷ đồng tiền lãi lô trái phiếu HONGPHONG1_BOND_2019_1.

Doanh nghiệp này cũng thanh toán hơn 80,8 tỷ đồng tiền lãi lô trái phiếu HONGPHONG1_BOND_2019_2.

Theo thông tin trên HNX, lô trái phiếu HONGPHONG1_BOND_2019_1 được phát hành ngày 24/12/2019, kỳ hạn 5 năm, dự kiến đáo hạn ngày 24/12/2024. Giá trị phát hành là 400 tỷ đồng; khối lượng còn lại theo mệnh giá (sau đợt mua lại ngày 24/6/2024) là 40 tỷ đồng.

Lô trái phiếu HONGPHONG1_BOND_2019_2 cũng được phát hành trong ngày 24/12/2019, với kỳ hạn 15 năm, giá trị phát hành là 2.150 tỷ đồng.

Năng lượng Hồng Phong 1 là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A có công suất 150MW, tổng mức đầu tư lên tới 4.198 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 207ha.

Nợ hơn 2.000 tỷ đồng trái phiếu, công ty con của WTO kinh doanh ra sao?- Ảnh 1.

Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A. Ảnh: WTO

Được biết, Năng lượng Hồng Phong 1 là công ty con của Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (WTO, trước đây là Vietracimex).

Trong mảng năng lượng, WTO còn có 1 công ty con đình đám khác là CTCP Năng lượng Hồng Phong 2, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Thời điểm mới thành lập, Năng lượng Hồng Phong 2 có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập: WTO (nắm giữ 96% cổ phần), CTCP Điện Vietracimex Lào Cai (nắm giữ 2% cổ phần) và CTCP BOT Vietracimex 8 (nắm giữ 2% cổ phần).

Năng lượng Hồng Phong 2 được biết đến là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B, công suất 100 MW, tổng mức đầu tư 2.832 tỷ đồng. 

Giống Năng lượng Hồng Phong 1, Năng lượng Hồng Phong 2 cũng là "tay chơi" trái phiếu khi từng phát hành 6 lô trái phiếu: HP2_BOND_2020_01, HP2_BOND_2020_02 , HP2_BOND_2020_03 , HP2_BOND_2020_04, HP2_BOND_2020_05, HP2_BOND_2020_06 với tổng giá trị phát hành là 1.600 tỷ đồng; trong đó có 1 lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng và 5 lô trái phiếu trị giá 280 tỷ đồng.

Những lô trái phiếu này có tài sản đảm bảo là quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai của một số lô đất thấp tầng của dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch tại xã Kim Chung và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng sử dụng quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B và toàn bộ cổ phần của các cổ đông sở hữu tại Hồng Phong 2 để đảm bảo cho các lô trái phiếu trên.

Trước đó, năm 2020, UBND tỉnh Bình Thuận đã cho CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 thuê 1,2 triệu m2 đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B. Thời hạn sử dụng đất kể từ ngày ký Quyết định đến hết ngày 12/4/2068 với hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm.

Tiềm lực WTO thế nào?

Quay trở lại với WTO, đây là doanh nghiệp từng có 100% vốn Nhà nước, được thành lập năm 1999, trực thuộc Bộ GTVT. Ông Võ Nhật Thăng (SN 1959) khi đó được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty.

Sau khi cổ phần hóa vào năm 2005, ông Thăng thâu tóm 93,37% cổ phần của Vietracimex.

Hiện, WTO trở thành tập đoàn đa ngành với cả chục công ty thành viên, trong đó 4 lĩnh vực chính là Bất động sản; Sản xuất công nghiệp; Năng lượng và Thương mại dịch vụ.

Trong lĩnh vực bất động sản, WTO là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như: Dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội (quy mô 146ha); Dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai, Hà Nội (3,2ha); Dự án Sunrise VNT Resort – Phú Quốc (44,4ha); Dự án Khu dân cư Nam Thăng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM (41,87ha); Sân Golf Minh Trí (Hanoi Golf Club) tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội (108ha)…

Trong lĩnh vực năng lượng, WTO sở hữu nhiều dự án thủy điện như: Nhà máy thủy điện Tà Thàng tại Lào Cai (công suất 60MW, tổng vốn đầu tư 2.147 tỷ đồng); Nhà máy thủy điện Bắc Mê tại Hà Giang (công suất 45MW, tổng vốn đầu tư 2.394 tỷ đồng); Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo tại Lâm Đồng (công suất 24MW, tổng vốn đầu tư 653 tỷ đồng). Cùng với đó là hai dự án thủy điện rất lớn tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là Nậm Mô 1 (công suất 90MW, tổng vốn đầu tư 4.128 tỷ đồng) và Mỹ Lý 1 (công suất 180MW, tổng vốn đầu tư 7.824 tỷ đồng).

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ngoài Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A và Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B đã nói ở trên, tập đoàn này còn sở hữu nhiều dự án khác như: Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 (công suất 100MW) và hai dự án điện gió công suất 400MW tại tỉnh Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng.

Ở mảng sản xuất công nghiệp, WTO sở hữu nhà máy Bột – Giấy VNT 19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, công suất 350.000 tấn/năm.

Hoạt động đa ngành nên trái phiếu cũng là một kênh mà các doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của WTO tìm đến để huy động vốn.

WTO cũng là "tay chơi" có tiếng khi phát hành hàng loạt các lô trái phiếu trong giai đoạn từ 2018-2021.

Theo công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu trong nửa đầu năm 2024, WTO đã hoàn tất thanh toán lãi cho 13 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành lên tới 3.729 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT