'Rút chân' khỏi KĐT mới Đan Phượng, WTO lại đặt 'tham vọng' vào dự án hơn 13.200 tỷ đồng tại Đông Anh
WTO muốn làm dự án hơn 13.200 tỷ đồng tại Đông Anh sau khi doanh nghiệp này "rút chân" khỏi dự án KĐT mới Đan Phượng có tổng mức đầu tư 19.128 tỷ đồng.
Từ đầu năm tới nay, TP.Hà Nội đang tìm kiếm các nhà đầu tư cho khoảng 6 dự án khu đô thị, tổng vốn đầu tư hơn 63.000 tỷ đồng.
Các dự án này gồm: Dự án Khu đô thị mới Mê Linh tại xã Mê Linh và xã Văn Khê (huyện Mê Linh) 3.200 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị mới C3-1, xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) 4.500 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị mới Liên Ninh, xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) 2.900 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị mới G8 tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) 13.200 tỷ đồng; Dự án khu đô thị mới G19 (huyện Đông Anh) hơn 2.400 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị thông minh - sinh thái tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh (huyện Đông Anh) hơn 33.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã công bố biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị mới G8 tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh.
Tổng diện tích đất nghiên cứu sử dụng là khoảng 46,6 ha. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 12.599 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 659 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được nhà nước quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Tiến độ thực hiện 5 năm từ thời điểm có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện là Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (WTO, tên cũ: Vietracimex).
WTO muốn làm dự án hơn 13.200 tỷ đồng tại Đông Anh sau khi doanh nghiệp này "rút chân" khỏi dự án KĐT mới Đan Phượng (diện tích 128ha, nằm tại các xã Tây Mỗ, Tân Hội, Liên Hà, huyện Đan Phượng có tổng mức đầu tư 19.128 tỷ đồng).
Cụ thể, WTO có văn bản xin rút lại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trên sau gần 2 năm nộp hồ sơ theo đuổi dự án.
Sau khi nhận được văn bản trên, tháng 12/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Khu đô thị mới Đan Phượng cho WTO.
WTO từng là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được thành lập năm 1999, trực thuộc Bộ GTVT. Ông Võ Nhật Thăng (SN 1959) khi đó được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty.
Sau khi cổ phần hóa vào năm 2005, ông Thăng thâu tóm 93,37% cổ phần của Vietracimex. Dưới "bàn tay" ông Thăng, WTO trở thành tập đoàn đa ngành với cả chục công ty thành viên, trong đó 4 lĩnh vực chính là Bất động sản; Sản xuất công nghiệp; Năng lượng và Thương mại dịch vụ.
Trong lĩnh vực bất động sản, WTO là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như: Dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội (quy mô 146ha); Dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai, Hà Nội (3,2ha); Dự án Sunrise VNT Resort – Phú Quốc (44,4ha); Dự án Khu dân cư Nam Thăng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM (41,87ha); Sân Golf Minh Trí (Hanoi Golf Club) tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội (108ha)…
Trong lĩnh vực năng lượng, WTO sở hữu nhiều dự án thủy điện như: Nhà máy thủy điện Tà Thàng tại Lào Cai (công suất 60MW, tổng vốn đầu tư 2.147 tỷ đồng); Nhà máy thủy điện Bắc Mê tại Hà Giang (công suất 45MW, tổng vốn đầu tư 2.394 tỷ đồng); Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo tại Lâm Đồng (công suất 24MW, tổng vốn đầu tư 653 tỷ đồng). Cùng với đó là hai dự án thủy điện rất lớn tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là Nậm Mô 1 (công suất 90MW, tổng vốn đầu tư 4.128 tỷ đồng) và Mỹ Lý 1 (công suất 180MW, tổng vốn đầu tư 7.824 tỷ đồng).
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tập đoàn này sơ hữu nhiều dự án như Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (công suất 150MW, tổng mức đầu tư 4.198 tỷ đồng); Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B (công suất 100MW, tổng mức đầu tư 2.832 tỷ đồng); Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 (công suất 100MW); và hai dự án điện gió công suất 400MW tại tỉnh Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng.
Ở mảng sản xuất công nghiệp, WTO sở hữu nhà máy Bột – Giấy VNT 19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, công suất 350.000 tấn/năm.