Phân công thẩm phán xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát

TAND TP.HCM đã phân công thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự) nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát. Dự kiến vụ án được đưa ra xét xử sau Tết Nguyên đán 2024.

Ngày 10/1, đại diện TAND TP.HCM thông tin tới cơ quan báo chí cho biết vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan đã được tòa thụ lý phân công cho thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị xét xử.

Theo đó, thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh toà Hình sự) được phân công giải quyết; dự kiến vụ án được đưa ra xét xử sau Tết Nguyên đán 2024.

Đại diện TAND TP.HCM cũng cho biết đơn vị đã bố trí riêng một phòng với hệ thống camera giám sát, hệ thống PCCC để chứa gần 2.500 tập tài liệu, đóng trong 104 thùng hồ sơ (nặng khoảng 6 tấn), với khoảng 1 triệu bút lục phục vụ cho việc lưu trữ, nghiên cứu hồ sơ. Dự kiến sẽ có hàng trăm luật sư tham gia bào chữa cho 86 bị can cùng nhiều cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ án. 

Trước đó, ngày 13/12/2023, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố đối với 86 bị can trong vụ án. Trong đó, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo buộc 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

phan-cong-tham-phan-xet-xu-vu-an-van-thinh-phat-1704876026.jpg
Trương Mỹ Lan và một số đồng phạm

Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thông qua các cá nhân, tổ chức thâu tóm, nắm giữ trên thực tế 85%-91,5% cổ phần tại SCB. 
Qua đó, bà Lan nắm quyền chi phối và là người chỉ đạo, thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

Bà Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB, thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.

Theo cơ quan tố tụng, bà Trương Mỹ Lan là người điều hành "đế chế" Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ, trong và ngoài nước. 

Nhóm Trương Mỹ Lan thông đồng với nhiều công ty Thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân.

Đồng thời, bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước làm trái công vụ.

Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại 129.372 tỷ đồng là tiền lãi và chi phí phát sinh.

Được biết, đây chỉ là giai đoạn 1 vụ án Vạn Thịnh Phát, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 của vụ án, trong đó tập trung điều tra 2 tội danh chính là lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến phát hành trái phiếu và hành vi rửa tiền của bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi phát hành trái phiếu, Bộ Công an xác định các bị can đã thông qua 40 doanh nghiệp được thành lập rồi phát hành 25 gói trái phiếu, lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT