Một địa phương sắp có hai sân bay quốc tế

Theo phương án dự kiến hợp nhất với Quảng Nam, Đà Nẵng sẽ trở thành địa phương có 2 sân bay lưỡng dụng là sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay Chu lai.

Một địa phương sắp có hai sân bay quốc tế- Ảnh 1.

Căn cứ nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành một thành phố trực thuộc Trung ương, lấy tên gọi là thành phố Đà Nẵng. Trung tâm chính trị - hành chính của thành phố Đà Nẵng sau khi hợp nhất đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay. 

Việc hợp nhất này dự kiến có thể đưa TP Đà Nẵng thành địa phương đầu tiên có 2 sân bay quốc tế, cụ thể là sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay Chu lai. 

Theo đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện là sân bay lưỡng dụng lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên và lớn thứ ba của Việt Nam, nằm ở quận Hải Châu, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 3 km.

Sân bay có tổng diện tích khu vực sân bay là 842 ha, trong đó diện tích khu vực hàng không dân dụng là 150 ha. Hiện có 5 hãng hàng không nội địa và 38 hãng hàng không quốc tế đang có đường bay đến Sân bay quốc tế Đà Nẵng, nhiều thứ ba cả nước.

Từ Đà Nẵng hiện có khoảng 16 tuyến bay nội địa, 51 tuyến bay đi quốc tế trong đó có 25 đường bay trực tiếp thường kỳ và 26 đường bay trực tiếp thuê chuyến, với hơn 250 chuyến bay trong nước và quốc tế mỗi ngày, giúp kết nối thuận lợi với các trạm trung chuyển lớn của Châu Á và thế giới như Incheon - Hàn Quốc, Narita - Nhật Bản, Changi - Singapore, Doha - Qatar, Đại Hưng - Trung Quốc hay New Delhi - Ấn Độ.

Với sân bay Chu Lai, đây là cảng hàng không lưỡng dụng nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, sân bay Chu Lai được định hướng nâng cấp thành sân bay quốc tế, triển khai theo mô hình đối tác công - tư (PPP).

Nhà ga hành khách của sân bay này hiện có năng lực khai thác quốc nội đã được cải tạo và nâng công xuất lên 600 hành khách/giờ cao điểm và 1,7 triệu hành khách/năm. Sân bay hiện chủ yếu khai thác đường bay nối Chu Lai với Hà Nội và TP.HCM.

Theo đề xuất, sân bay quốc tế Chu Lai sẽ bao gồm việc xây dựng một đường cất hạ cánh mới cùng hệ thống nhà ga hiện đại, đáp ứng công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm. Với tổng mức đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng. Nếu được triển khai thành công, Đà Nẵng sau sát nhập có thể trở thành địa phương đầu tiên tại Việt Nam sở hữu 2 sân bay quốc tế.

Sau khi sáp nhập, một số địa phương cũng sẽ sở hữu hai sân bay phục vụ hoạt động dân dụng, chẳng hạn như TP.HCM (Tân Sơn Nhất và Côn Đảo), Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa), An Giang (Phú Quốc và Rạch Giá), hay Gia Lai (Phù Cát và Pleiku). Tuy vậy, hiện chưa có dấu hiệu hay thông tin nào cho thấy các địa phương này sẽ hình thành hai sân bay quốc tế trong tương lai gần.

Thúy Hạnh

Đàm Thị Thuý Vân

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/mot-dia-phuong-sap-co-hai-san-bay-quoc-te-205250503105559939.htm