Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Protrade (PRT) bị cưỡng chế thuế hơn 144 tỷ đồng

Vũ Ngọc Quỳnh

PRT bị cưỡng chế hơn 144 tỷ đồng do công ty nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định.

protrade-prt-bi-cuong-che-thue-hon-144-ty-dong-antt-1695696372.jpg
Protrade (PRT) bị cưỡng chế thuế hơn 144 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ

Mới đây, Cục thuế tỉnh Bình Dương đã ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - CTCP (Protrade, MCK: PRT) mở tại ngân hàng.

Theo đó, PRT bị cưỡng chế hơn 144,1 tỷ đồng do nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định.

Trường hợp số tiền trên tài khoản của Protrade nhỏ hơn số tiền quyết định cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của người nộp thuế trong thời gian quyết định có hiệu lực.

Phía ngân hàng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản/phong toả tài khoản đối với số tiền trên để nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Dương.

PRT tiền thân là Xí nghiệp Sản xuất hàng cao su 3-2 Sông Bé, vốn được xem là 1 trong 3 trụ cột của thành phần kinh tế nhà nước tại tỉnh Bình Dương.

Công ty ra đời vào năm 1982, sau gần 20 năm hoạt động, PRT hiện có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng, trồng và chế biến mủ cao su, logictis, sân golf… PRT được cổ phần hóa vào năm 2015, bắt đầu giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM từ ngày 7/5/2018.

Về kết quả kinh doanh, khép lại nửa đầu năm 2023, PRT lỗ ròng gần 51 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi ròng hơn 223 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân lỗ, PRT cho biết do doanh thu kinh doanh giảm hơn 458 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm 52% trong khi giá vốn giảm 214 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 37% vì tình hình hoạt động kinh doanh khu công nghiệp và sản xuất, thương mại tại các đơn vị thành viên gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 26 tỷ đồng, tương ứng tăng 43% so với cùng kỳ năm trước do ghi nhận chi phí dự phòng khoản phải thu liên quan đến tạm nộp các nghĩa vụ bổ sung trong giai đoạn doanh nghiệp Nhà nước.

Hà Anh (t/h)