PTI muốn tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng

PTI lên phương án phát hành gần 40,2 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 1.200 tỷ đồng. Đây sẽ là lần đầu tiên sau 9 năm PTI tiến hành tăng vốn kể từ năm 2015.

Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (MCK: PTI, sàn HNX) mới đây đã ra nghị quyết về việc triển khai kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, Bảo hiểm Bưu điện dự kiến phát hành gần 40,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2:1 tương ứng mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ có một quyền, cứ hai quyền được nhận một cổ phiếu mới. Nguồn thực hiện là từ thặng dư vốn cổ cổ phần, đạt 402 tỷ đồng vào cuối năm 2023.

pti-chuan-bi-tang-von-dieu-le-lan-dau-tien-sau-9-nam-2-1717041898.PNG
Nguồn: PTI

Sau khi hoàn tất phát hành, PTI sẽ tăng vốn điều lệ từ 804 tỷ đồng lên 1.206 tỷ đồng, xếp sau Bảo Việt, PVI, Quân đội, VNR và cao hơn Bảo Minh.

Đây sẽ là lần đầu tiên sau 9 năm PTI tiến hành tăng vốn kể từ năm 2015. Dự kiến, PTI sẽ thực hiện kế hoạch tăng vốn này trong năm 2024, khi nhận được sự chấp thuận từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, HĐQT PTI đã trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 hai phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu bằng nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 1:1 (100%) và 2:1 (50%). Tuy nhiên, các cổ đông chỉ chấp thuận chỉ thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 2:1. 

Ngoài ra, tại đại hội, HĐQT PTI cũng đề xuất phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100%, thời gian thực hiện là trong năm 2024. Tuy nhiên, cổ đông lớn là DB Insurance (nắm 37% vốn PTI) và một số cổ đông khác đã phủ quyết.

Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Hương cho biết, PTI hiện đang đứng thứ 4 về doanh thu tuy nhiên quy mô vốn điều lệ mới chỉ xếp thứ 9 trong số các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.

Với quy mô vốn nhỏ, công ty khó có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn do không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư về mức vốn điều lệ tối thiểu.

Bên cạnh đó, quy mô vốn nhỏ cũng dẫn đến việc hạn chế khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Vốn điều lệ thấp cũng làm ảnh hưởng đến khả năng giữ lại.

Khi tăng vốn điều lệ, đặc biệt là có thêm thặng dư vốn, vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên cho phép PTI tăng mức giữ lại đối với các hợp đồng/nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả, trên cơ sở đó mở rộng lợi nhuận.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 và 2023, DB Insurance đã phủ quyết tất cả các tờ trình tăng vốn do HĐQT PTI đề xuất.

Kết thúc quý I/2024, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PTI giảm 24% so với cùng kỳ, xuống còn 1.087 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm 28% (1.114 tỷ đồng).

Nhờ chi phí bồi thường bảo hiểm giảm 74% còn hơn 182 tỷ đồng, tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm của PTI giảm 24% còn hơn 1.075 tỷ đồng, giúp lãi gộp chỉ giảm 21% còn hơn 11 tỷ đồng.

Kết quả, PTI vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 66%, đạt hơn 68 tỷ đồng, nhờ lãi từ hoạt động tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT