Saigonbank chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ sau 11 năm
Ngày 25/4/2024 là ngày cuối cùng để Saigonbank chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, ngân hàng này dự kiến phát hành 30,8 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ tối đa thêm 308 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, mã: SGB, sàn UPCoM) thông báo ngày 24/04/2024 là ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày 25/4/2024 là ngày cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo phương án đã công bố trước đó, Saigonbank dự kiến phát hành 30,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10% (sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 10 cổ phiếu mới). Tổng giá trị phát hành là 308 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế còn lại qua các năm (từ 2016 trở về trước, năm 2017-2021) và lợi nhuận sau thuế năm 2022 sau khi trích các quỹ.
Hồi cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ năm 2023 của Saigonbank. Theo đó, NHNN chấp thuận cho SaigonBank tăng vốn điều lệ tối đa thêm 308 tỷ đồng, dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu được ĐHĐCĐ thông qua. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của SGB sẽ tăng từ 3.080 tỷ đồng lên 3.388 tỷ đồng.
Đây sẽ là lần đầu tiên sau hơn 11 năm, Saigonbank mới tăng vốn điều lệ. Lần gần nhất là vào năm 2012 khi ngân hàng thực hiện phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Từ đó đến nay, vốn điều lệ của Saigonbank giữ nguyên mức 3.080 tỷ đồng, ở nhóm thấp nhất trong các ngân hàng thương mại. Dù vậy, ngay cả khi hoàn tất đợt trả cổ tức nói trên, vốn điều lệ của Saigonbank vẫn thuộc nhóm thấp nhất toàn hệ thống.
Trong diễn biến khác, Saigonbank mới đây công bố tài liệu chuẩn bị cho ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Theo đó, ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 368 tỷ đồng, tăng gần 11% so với kết quả 2023.
Năm 2024, Saigonbank đề ra mục tiêu hoàn thiện phê duyệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 20221-2025. Đồng thời, Ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp để thu hồi các khoản nợ tồn đọng nhằm tăng thu nhập, kiểm soát nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ theo quy định.
Saigonbank đề ra mục tiêu đến cuối năm 2024 đạt tổng tài sản 32.300 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Vốn huy động và dư nợ cho vay đạt lần lượt 27,300 tỷ đồng và 23,000 tỷ đồng, tăng 3% và 12.87% so với đầu năm. Nợ xấu kiểm soát theo quy định dưới 3%. Cùng với đó, Saigonbank không đề cập đến phương án phân phối lợi nhuận trong năm nay.
Về tình hình kinh doanh năm 2023, Saigonbank đạt lợi nhuận sau thuế 266,8 tỷ đồng, trong đó riêng quý IV ghi nhận tăng trưởng đột biến.
Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Saigonbank tăng 13,7% so với đầu năm, đạt 31.501 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 6,7%, là kết quả thấp hơn trung bình toàn ngành. Tiền gửi ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn, đạt 14,9% và số dư 23.557 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đạt 2,01%, là mức thấp nhất kể từ quý II/2022.